Thành lập Tổ tư vấn công nghệ của Thủ tướng hoạt động như mô hình của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng là đề xuất được đưa ra tại Hội thảo "Cách mạng Công nghiệp 4.0 và các ngành công nghệ mới ở Việt Nam" diễn ra ngày 21/11.
Giải thích cho đề xuất này, ông Trần Mạnh Cường, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay) cho rằng sự thay đổi "chóng mặt" của các giải pháp công nghệ đòi hỏi chính sách pháp luật phải có sự thay đổi nhanh chóng để theo kịp xu thế phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. "Bởi công nghệ phát triển nhanh nhưng luật đưa ra chậm, không theo kịp khiến doanh nghiệp công nghệ đang rất vướng", ông Cường cho biết.
Khoảng trống pháp lý cần lấp đầy
Những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải được nêu rất rõ trong Báo cáo "Cách mạng Công nghiệp 4.0 và các ngành công nghệ mới ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện. Ông Đặng Quang Vinh, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết một số ngành công nghiệp mới nổi đã xuất hiện trên thị trường với tốc độ phát triển mạnh mẽ, thậm chí mang tính "huỷ diệt" những ngành kinh doanh truyền thống.
Ông Vinh dẫn chứng, trong khi vụ kiện giữa Vinasun và Grab vẫn chưa có hồi kết, thị trường đặt xe qua ứng dụng công nghệ vẫn liên tục xuất hiện những cái tên mới như Aber, Go-Ixe, Fastgo, T.NET... Trong lĩnh vực đặt phòng online, dù chưa có khung pháp lý ở Việt Nam nhưng đặt phòng online vẫn phát triển mạnh với Airbnb (16.000 phòng), Luxstay (10.000 phòng), Uhom, Mystay. Hay hình thức cho vay ngang hàng đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2016 với khoảng gần chục công ty như huydong.com, Tima, SHA, Mobivivi... nhưng "khoảng trống" pháp lý vẫn rất lớn.
"Vì thế, mới có chuyện rất nhiều doanh nghiệp thời gian qua phải qua Singapore để thành lập doanh nghiệp sau đó quay trở về Việt Nam hoạt động kinh doanh và đầu tư nhằm "vượt qua" rào cản, vướng mắc liên quan tới vấn đề pháp lý mà không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh", ông Vinh nói.
Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây, theo ông Vinh, là Nhà nước cần hợp tác với doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, xây dựng khung thể chế cần thiết, vừa tạo hành lang pháp lý cho kinh doanh, vừa hạn chế rủi ro cho xã hội. Đồng thời, nhanh chóng sửa các quy định kinh doanh không phù hợp, ban hành các quy định mới hoặc khung thể chế thử nghiệm.
Thời của "cá nhanh nuốt cá chậm"
Trở lại đề xuất của ông Cường về việc thành lập Tổ tư vấn công nghệ của Thủ tướng, vị này cho rằng tương tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp không chỉ yếu ở chiều giữa Nhà nước với doanh nghiệp mà còn ở cả chiều giữa doanh nghiệp với Nhà nước.
"Cần có kênh trao đổi giữa doanh nghiệp với Nhà nước để chúng tôi tiếp cận và nắm bắt nội hàm của những luật chuyên ngành như du lịch, giao thông... để các start-up, các doanh nghiệp công nghệ sáng tạo, phát triển những sản phẩm có ý nghĩa", ông Cường nói.
Cùng quan điểm, ông Phan Vinh Quang, Phó giám đốc Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) cho rằng không thể cấm doanh nghiệp Việt ra nước ngoài thành lập doanh nghiệp vì thời "cá lớn nuốt cá bé" đã qua và chuyển sang thời của "cá nhanh nuốt cá chậm".
"Chừng nào doanh nghiệp còn phải ra nước ngoài thành lập, chừng đó chúng ta không thể tự hào về thể chế. Trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, đó không chỉ là cuộc đua của doanh nghiệp mà còn là cuộc đua của Chính phủ. Chúng ta phải dung nạp những mô hình kinh doanh mới, mô hình kinh doanh có tính đổi mới và sáng tạo", ông Vinh khẳng định.
Cụ thể hơn, theo vị chuyên gia đến từ MBI, thực tế cho thấy những mô hình cũ nhưng ứng dụng công nghệ mới thì thủ tục không mấy khó khăn trong khi đó mô hình kinh doanh mới thì "bàn tới, bàn lui" vẫn chưa đến hồi kết. "Nếu không đấu tranh mạnh mẽ, làn sóng "xuất ngoại" thành lập doanh nghiệp vẫn diễn ra, chất lượng dịch vụ sẽ không theo kịp các nước trong khu vực và chúng ta sẽ đánh mất thị phần", ông Phan Vinh Quang nhấn mạnh.
Dẫn câu chuyện của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, ông Nguyễn Việt Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển (VNPT) cho biết doanh nghiệp này phải trích 18-20% tiền phòng thu được từ khách hàng cho nhà cung cấp ứng dụng từ nước ngoài. Với khối lượng phòng hàng năm lên tới hàng nghìn, số tiền mà doanh nghiệp này chi trả tính trong khoảng thời gian 6-7 năm là rất lớn.
"Nếu như doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia thị trường này, luồng tiền sẽ không phải chảy ra bên ngoài", ông Bằng bày tỏ.
Vì thế, để giải quyết thực trạng "đau đớn nhất là mình tự cản trở mình", theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng CIEM, Việt Nam cần có sự đột phá trong tư duy, phá bỏ cách nghĩ truyền thống để theo kịp với sự thay đổi của khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
Post a Comment