Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết như vậy khi lý giải nguyên nhân dẫn tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước còn chậm, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn chưa cao.
Tư tưởng e ngại, muốn yên vị, sợ mất vị trí
Như VnEconomy đã đưa tin, ngày 21/11 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là hội nghị rất quan trọng, liên quan đến lực lượng doanh nghiệp đang nắm giữ tài sản 3 triệu tỷ đồng, với lượng vốn 1,5 triệu tỷ đồng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định doanh nghiệp nhà nước hết sức cần thiết cho sự phát triển đất nước, mà không chỉ riêng với Việt Nam mà các nước trên thế giới đều có doanh nghiệp nhà nước để điều tiết, quản lý nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lấy ví dụ, nhà nước hiện nay đang nắm giữ những ngành quan trọng như điện lực, đảm bảo an ninh năng lượng; hay 4 ngân hàng lớn giúp điều tiết chính sách tiền tệ; doanh nghiệp viễn thông giúp đảm bảo an ninh quốc phòng; các doanh nghiệp lương thực, cao su đều có những nhiệm vụ quan trọng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, ngành nào nhà nước cần nắm giữ 100% vốn thì nắm giữ, ngành nào 75% trở lên, ngành nào 51%, ngành nào không cần giữ lại, tất cả đều phải có tiêu chí rõ ràng. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động, để huy động vốn xã hội và nâng cao năng lực quản trị, phòng chống tham nhũng.
Đề cập sâu hơn đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiến độ cổ phần hóa giai đoạn 2016-2017 là chậm, đặc biệt là tại Tp HCM. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt nền kinh tế, đi đầu công nghệ. Không ít tập đoàn nhiều năm không đầu tư gì.
Nguyên nhân được Thủ tướng đưa ra là do vẫn còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông trong vấn đề đổi mới khi cổ phần hóa, thoái vốn; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn; tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới. Bên cạnh đó, cũng còn có lợi ích nhóm, tham nhũng trong cổ phần hóa, thoái vốn.
"Sau một cuộc thanh tra, không ai làm việc gì cả, không chuyển động phục vụ nhân dân. Nếu địa phương A, B có vấn đề không xử lý sẽ tụt hậu, doanh nghiệp không vươn lên sẽ rớt lại. Nếu cứ im lặng là vàng thì sao xã hội phát triển được. Tôi xin nhấn mạnh chống tham nhũng là chống, nhưng làm là vẫn phải làm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, thời gian qua, có nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực và một số vụ án khởi tố cán bộ, lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty, bộ, ngành, địa phương liên quan. Việc này có nhiều nguyên nhân, vừa do cơ chế, chính sách, vừa do lỗi buông lỏng quản lý Nhà nước trong thời gian dài, đặc biệt là lỗi chủ quan của cán bộ, tổ chức liên quan, trong đó có việc tham nhũng, tiêu cực.
Quan điểm của Đảng, Nhà nước là tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong cổ phần hóa, thóa vốn doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ sẽ chủ động chỉ đạo, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách để tập trung khắc phục.
Đừng tưởng Thủ tướng không biết "các ông" có sân sau!
Dành thời gian khá dài để phân tích và lý giải những hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến công tác quản trị. Ông cho rằng, cần đẩy mạnh công tác thanh tra bởi thực tế cho thấy còn tình trạng thất thoát lớn, quản trị yếu kém. Thủ tướng cũng đề cập đến sự chậm đổi mới, "bổn cũ chép lại" và tình trạng sân sau của doanh nghiệp diễn ra phổ biến.
"Có ông không chỉ một sân sau mà còn có hai, ba thậm chí là 13, 14 sân sau. Có ông có đầy đủ bao nhiêu sân sau, từ buôn bán nguyên vật liệu cho đến tất cả mọi thứ. Tôi xin khẳng định, không phải là Thủ tướng không biết những chuyện này", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Từ đó, lãnh đạo Chính phủ đề nghị phải tiến hành xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn.
Định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng khẩn trương tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi ngay các quy định liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, quy trình cổ phần hóa, thoái vốn, các quy định về quản lý tài chính, tiền lương, đăng ký, niêm yết; quyền và trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan quản lý, đại diện chủ sở hữu…
"Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là tạo mọi thuận lợi về cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện; trường hợp có vướng mắc thì phải rà soát, đề xuất, sửa đổi ngay; đồng thời phải thực thi nghiêm pháp luật; không để có lỗ hổng pháp lý và tái diễn những vi phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Post a Comment