Hôm 28/1, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức công bố buộc tội đối với tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu của hãng này, cùng hai công ty con, với loạt tội danh từ gian lận điện tín cho tới vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Washington.
Động thái này có thể đẩy leo thang căng thẳng vốn dĩ đã ở mức cao giữa hai nước.
Hãng tin Reuters cho biết, trong một công bố buộc tội được công bố ở New York, Bộ Tư pháp Mỹ nêu 13 vi phạm của Huawei, nói rằng tập đoàn này đã lừa dối một ngân hàng toàn cầu và cơ quan chức năng Mỹ về mối quan hệ giữa Huawei với hai công ty con là Skycom Tech và Huawei Device USA.
Theo tuyên bố, mục đích của việc lừa dối này là nhằm thực hiện các giao dịch kinh doanh với Iran, bất chấp Tehran chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trong một vụ kiện song song khác, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc hai chi nhánh nói trên của Huawei có 10 vi phạm thuộc các tội danh gồm đánh cắp bí mật thương mại, gian lận điện tín, và cản trở công lý.
Cụ thể, Mỹ cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ người máy (robot) được dùng để thử độ bền của điện thoại thông minh (smartphone) từ nhà mạng viễn thông Mỹ T-Mobile. Công bố buộc tội này được đưa ra tại bang Washington.
Hiện Huawei chưa đưa ra tuyên bố nào sau các cáo buộc tên của Mỹ.
Trước đây, T-Mobile đã cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ robot có tên "Tappy", một công nghệ mô phỏng ngón tay người và được dùng để thử smartphone. Huawei từng cho biết hai công ty đã giải quyết xong tranh chấp này vào 2017.
Các cáo buộc mà Mỹ vừa đưa ra gia tăng sức ép đối với Huawei, hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm mọi cách để ngăn chặn các công ty nước này mua thiết bị Huawei, đồng thời kêu gọi các quốc gia đồng minh làm điều tương tự. Giới chuyên gia an ninh của Mỹ lo ngại rằng thiết bị của Huawei có thể được dùng để theo dõi nước Mỹ.
Theo đề nghị của Washington, nhà chức trách Canada đã tiến hành bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu ở Vancouver vào tháng 12 năm ngoái. Bà Mạnh hiện đang tại ngoại ở Canada và Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà.
Các buộc tội của Mỹ cho rằng bà Mạnh đóng một vai trò chủ chốt trong việc sử dụng hai công ty con để thực hiện các giao dịch với Iran, theo đó vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran. Khi ra trước tòa án ở Canada, bà Mạnh đã bác bỏ những cáo buộc của Mỹ.
Nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi, cha thân sinh bà Mạnh, gần đây cũng đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc nói rằng thiết bị của Huawei có "cửa sau" để phục vụ cho mục đích nghe lén.
Vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei đã làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung, đồng thời làm xấu đi mối quan hệ giữa Trung Quốc với Canada. Bắc Kinh mới đây đã bắt hai công dân Canada với các cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia.
Buộc tội chính thức của Mỹ đối với Huawei được đưa ra hai ngày trước vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung ở Washington. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ nói rằng vụ Huawei và đàm phán thương mại "hoàn toàn không liên quan".
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đây có thể là một cách để Washington gây sức ép với Bắc Kinh trên bàn đàm phán.
Post a Comment