Một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, các chính sách thân thiện với kinh doanh và sự ủng hộ dành cho thương mại tự do. Đó là những điểm nhấn mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự định sẽ đưa ra trước các nhà đầu tư toàn cầu khi ông đến Davos, Thụy Sỹ để dự chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

"Chúng tôi sẵn sàng nắm bắt cơ hội", Thủ tướng nói trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg chỉ vài ngày trươc khi lên đường tới Davos trong tuần này.

Bloomberg nhận định rằng Việt Nam đang lặng lẽ khẳng định vị thế là một "vịnh tránh bão" cho các doanh nghiệp sản xuất lo ngại trở thành "nạn nhân" của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Với những lợi thế của Việt Nam như hàng loạt thỏa thuận tự do mậu dịch, giá nhân công tương đối rẻ và vị trí liền kề Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có một câu chuyện hấp dẫn để kể với các nhà điều hành doanh nghiệp toàn cầu mà ông gặp ở Davos.

"Chúng tôi đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu cả về khối lượng và chất lượng hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng mà chúng tôi có thế mạnh như thủy hải sản, hàng hóa cơ bản, giày dép và hàng điện tử", ông nói. "Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành một nền kinh tế xuất khẩu có khả năng tăng trưởng nhanh và tạo thêm công ăn việc làm với thu nhập cao hơn cho người dân".

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức lớn cần vượt qua, như thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu lao động lành nghề, khiến khó thu hút được các doanh nghiệp sản xuất ở cấp độ cao hơn.

Ngoài ra, môi trường kinh tế toàn cầu cũng đang xấu đi. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới đang gây áp lực đối với nhu cầu hàng hóa, đặt ra thách thức đối với một nền kinh tế với tổng kim ngạch thương mại lớn gấp hai lần tổng sản phẩm trong nước (GDP) như Việt Nam. Tỷ lệ này của Việt Nam là cao hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác ở khu vực châu Á trừ Singapore. Khoảng 1/4 kim ngạch thương mại của Việt Nam là với Trung Quốc.

Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn được xem như một "hầm trú ẩn". Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng lên mức 7,1% trong 2018, vào hàng nhanh nhất thế giới. 

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt ngưỡng cao trong khoảng dự báo 6,6-6,8% mà Chính phủ đề ra cho năm nay, cũng như cam kết giữ ổn định tỷ giá tiền đồng trong 2019.

"Chúng tôi nhận thấy động lực tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực khác nhau và có cơ sở vững chắc để đạt mục tiêu", Thủ tướng nói.

Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 244 tỷ USD trong 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 48 tỷ USD, tăng hơn gấp hai lần so với 5 năm trước.

Nhiều tập đoàn sản xuất lớn đã có nhà máy ở Việt Nam, trong đó lớn nhất là hãng Samsung của Hàn Quốc - doanh nghiệp chiếm khoảng 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, từ máy bay của hãng Boeing cho tới sản phẩm của các công ty dầu khí.

Theo ông, với tư cách là một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam "phải duy trì tăng trưởng để tạo công ăn việc làm cho người dân và xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 6% để tăng thu nhập bình quân đầu người và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình".

Một điểm nhấn nữa mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể kể với các nhà đầu tư toàn cầu khi tới Davos, theo Bloomberg, đó là Việt Nam xếp vị trí thứ nhất trong số 7 nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á được coi là điểm đến cho các doanh nghiệp sản xuất. 

Đây là một xếp hạng của Natixis SA, dựa trên các yếu tố như dân số, tiền lương, giá điện, xếp hạng về môi trường kinh doanh và hậu cần, và tỷ trọng của ngành sản xuất trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

"Chính phủ đã nỗ lực nhiều để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài phát triển kinh doanh trong dài hạn ở Việt Nam", Thủ tướng nói.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top