Cổ nhân cho rằng, người không có đức thì không thể làm nên việc gì, bởi vì đức chính là điều quan trọng nhất trong việc tu thân. Trong nền văn hóa truyền thống vừa lâu đời vừa thâm thúy thì việc “thực hành đức chính, chọn người hiền tài” là cốt lõi của việc trị quốc bình thiên hạ. Đây cũng là mỹ đức mà người đời xưa nay luôn lấy làm gương và lưu truyền lại cho hậu thế.

(Hình minh họa: Qua amuse.nen.com)

“Hiền nhân” thường thường là để chỉ về những người có tài năng cứu nhân độ thế, có đức hạnh cao thượng. Cổ nhân luôn luôn lấy tiêu chuẩn chọn người gồm nhiều mặt cả đức lẫn tài, và không bao giờ xếp đức với tài ngang nhau. Họ vô cùng coi trọng vị trí thống soái và tác dụng chủ đạo của đức đối với tài, đặt đức lên trên cùng nhất. Bởi vậy mới có câu: “Tài giả đức chi tư, đức giả tài chi soái”, ý nghĩa là người có tài chỉ là phụ, người có đức mới là quan trọng.

Tư Mã Quang thời Bắc Tống căn cứ theo quan hệ giữa đức với tài đã chia con người ra làm 4 loại. Một là người có cả đức tài toàn vẹn thì đó là bậc thánh nhân. Hai là người mà đức tài đều kém thì đó là người ngu dốt. Ba là, người có đức trên tài thì đó là người quân tử. Bốn là người mà có tài hơn đức thì đó là tiểu nhân. Về cách dùng người, ông cũng nói: “Tốt nhất là lựa chọn thánh nhân, sau đó là quân tử, nếu như đều chẳng có, thì thà chọn người ngu còn hơn chọn tiểu nhân. Bởi vì có tài mà vô đức là loại người nguy hiểm nhất, so với loại người không tài không đức thì còn tồi tệ hơn.”

Về việc dùng người tài thì Hoàng đế Khang Hy thời nhà Thanh có một tiêu chuẩn nhất quán rằng: “Quốc gia dùng người, cần phải lấy đức làm căn bản, tài nghệ chỉ là thứ yếu”. “Tài đức đều cao thì tốt, nếu có tài mà kém đức, thì cũng không bằng có đức mà không có tài”.

Thời kỳ Chiến quốc có một câu chuyện rằng: Ngụy Huệ Vương hỏi Tề Uy Vương: “Ông là Vua nước Tề, chắc hẳn là thu thập được nhiều bảo vật?”

Tề Uy Vương đáp: “Không có”.

Ngụy Huệ Vương nói: “Nước nhỏ như nước tôi, cũng đều có tàng trữ mấy viên minh châu lớn đường kính bằng cả tấc, loại trân châu ấy phát ra ánh sáng có thể chiếu rọi 12 chiếc xe. Ông là Vua nước lớn như thế, tại sao một chút bảo vật cũng chẳng có?”.

Tề Uy Vương nói: “Châu báu quý nhất của nước tôi là người tài, bảo vật này so với bảo vật mà ông nói thì không như nhau. Tôi có một bề tôi tên là Đàn Tử, tôi phái ông ta trấn thủ Cao Đường, người nước Triệu ở phương Bắc không dám xâm phạm. Có một bề tôi khác tên là Kiềm Phu, tôi phái ông ta đóng ở Từ Châu, có thể quản lý hơn 7000 hộ dân từ bốn phương trời lui tới. Tôi còn có một bề tôi tên là Chủng Thủ, dưới sự quản lý của ông ta trăm họ an cư lạc nghiệp, đồ vật đánh rơi trên đường không ai nhặt lấy, đêm ngủ không cần phải khóa cửa. Châu báu như thế, quang minh chói lọi nghìn dặm, chứ đâu chỉ có 12 cỗ xe?” Những lời này của Tề Uy Vương cũng chính là nói ra nguyên nhân tại sao nước Tề giàu mạnh bình an.

(Hình minh họa: Qua chuanme)

Thừa tướng Gia Cát Lượng thời Thục Hán lúc lâm chung bèn đề cử với Hậu Chủ giới thiệu Tương Uyển làm Tướng quốc. Gia Cát Lượng nói rằng bình thường Tương Uyển luôn chú trọng việc tu thân, có đức hạnh cao thượng, biết nghe lời, trung thành, làm việc vô tư.

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Tương Uyển mỗi ngày xử lý hàng vạn việc, lấy việc chính sự và chăm sóc cho nhân dân làm cơ bản, độ lượng khoan dung, không phụ hy vọng của mọi người. Lúc đó nước Thục yếu nước Ngụy mạnh, nước Ngụy có rất nhiều nhân tài kiệt xuất, nhiều lần đánh Thục, vậy mà Tương Uyển và Khương Duy có thể bảo vệ được nước Thục trong suốt 29 năm trường, khiến cho đất nước hòa bình yên ổn. Điều này đã chứng minh Gia Cát Lượng dùng người rất chính xác.

Kỳ thực Gia Cát Lượng bản thân là một nhân tài. Ông vì kế hoạch thống nhất Trung Quốc mà đã “Cúc cung tận tụy, đến chết không thôi”.

Ông ở trong “Xuất sư biểu” trao cho Hậu Chủ có viết: “Nhà thần có 800 cây dâu tằm, áo cơm con cháu có thể tự lo được. Ngày thần chết, không muốn trong nhà có dư dả lụa là gấm vóc hay tiền của lợi tức, cũng giúp được cho bệ hạ”.

Người mà ông bổ nhiệm cũng đều thanh liêm biết tự giữ mình. Tương Uyển “Tính cách cao thượng khiêm tốn, trong nhà không tích cóp tài sản gì. Con cái ông đều làm ăn một cách bình dân, không khác gì muôn dân trăm họ”. Khương Duy cũng là “Nhà cửa thanh đạm, không có tài sản gì đáng kể, ra vào cung chẳng có xe đưa đón”.

(Hình minh họa: Qua sohu)

Làm việc chính sự có dựa trên đức hạnh hay không, sẽ tác động đến việc một người có thể dùng quyền hạn trong tay mà mưu lợi cho dân chúng hay không, ảnh hưởng đến tác phong và uy tín của nhân dân và quan lại, ảnh hưởng đến sự an nguy của chính quyền.

Từ xưa đến nay, quan lại có đức hạnh cao, phẩm cách tốt là cơ sở của một nền chính trị liêm khiết sáng sủa. Họ vào bất kỳ lúc nào cũng có thể đặt lợi ích của muôn dân trăm họ lên hàng đầu. Đây cũng là giá trị chân chính của việc lựa chọn dùng người tài đức. Ngược lại, chỉ chọn dùng kẻ thân thích thì chỉ có thể làm cho đất nước và dân tộc suy yếu nguy vong. Bởi vì nó lấy lợi ích cá nhân làm căn bản, khiến cho lòng ích kỷ ham muốn cá nhân bành trướng, những kẻ kém cỏi hoành hành, vô cùng tai hại. Những loạn thần tặc tử xưa nay, phần nhiều không phải là vì kém tài mà là vì kém đức. Vô đức mới là mối họa lớn nhất của con người.

Thái Kinh thời Bắc Tống có sở trường là thư họa, lúc ấy rất có danh tiếng. Hoàng đế thứ tám của triều đại Bắc Tống là Tống Huy Tông thấy vậy vô cùng vui mừng. Thái Kinh bèn lấy các bức thư họa và bình phẩm của mình, một mặt nhờ người khác đem tặng cho Hoàng đế Tống Huy Tông, các cung phi và hoạn quan.

Thái Kinh chính là dựa vào kiểu a dua nịnh hót như thế mà dần dần được lên làm Tể tướng. Ông ta hoang phí rất nhiều tiền của của quốc gia để xây dựng mở rộng Hoàng cung. Cho đến lúc trước khi triều Bắc Tống bị diệt vong thì đều vẫn là đang xây dựng, vàng bạc tham ô còn nhiều hơn cả ngân khố triều đình. Ông ta hãm hại trung thần, kết bè kéo đảng, chỉ chọn dùng toàn người thân thích.

(Hình minh họa: Qua Baike.m.sogou)

Một lần, Thái Kinh tìm người mà ông ta đã đề bạt trước đây là Ngô Bá Cử làm việc. Ngô Bá Cử muốn làm theo quy củ chế độ của triều đình, Thái Kinh lập tức nổi giận bừng bừng thét: “Đã làm quan to mà còn muốn làm người tốt, sao có thể như vậy được?” Lập tức giáng chức Ngô Bá Cử trục xuất khỏi triều đình.

Thời kỳ Thái Kinh nắm quyền triều chính, nạn hối lộ hoành hành, dân chúng lầm than, là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nhà Bắc Tống. Nhân dân cả nước đứng lên kêu gọi đem tử hình Thái Kinh để tạ tội với thiên hạ. Trung thư thị lang Hầu Mông nói: “Nếu như Thái Kinh có thể mưu tính một cách đoan chính, thì dù là Tể tướng hiền lương từ thời cổ đại cũng không hơn được ông ta! Đáng tiếc là ông ta không theo con đường chính đạo”.

Từ đó có thể thấy, bất kể là người tài năng, trí óc tới đâu, nếu như trong lòng không chính, không những là không thể cống hiến cho đất nước, mà ngược lại sẽ tạo thành nguy hại to lớn. Đây là do không tu dưỡng đức hạnh mà ra.

Ngày nay, đạo đức xã hội mỗi ngày trượt dốc hàng vạn dặm, có những người không việc ác nào không dám làm. Đó là bởi vì, pháp luật chỉ ràng buộc hành vi của con người, còn đạo đức mới là yếu tố ràng buộc tâm con người. Pháp trị tiểu nhân, đức trị quân tử. Người nào có thể giữ vững đạo đức, mới có thể đi trên con đường chính đạo, mới có được tương lai tươi sáng, vạn sự được hưng vượng phồn vinh. Vua quan làm được điều ấy còn có thể giúp cho thiên hạ được ấm no và thái bình.

An Hòa (dịch theo sự cho phép của tác giả)

Theo Trí thức Vn

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top