Vừa qua, bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Nghị định xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhiều ý kiến cho biết, tiêu chí xét tặng cần hạ thấp hơn vì hiện tại còn có một số quy định bất cập...
Cái khó của ngành mỹ thuật
Ngày 22/8, bộ VH,TT&DL đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Nghị định xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều văn sĩ, lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật trên cả nước. Theo báo cáo của vụ Thi đua Khen thưởng (bộ VH,TT&DL), sau khi triển khai thực hiện Nghị định số 90/2014/NĐ-CP qua đợt xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2016 có hai nội dung chưa phù hợp là quy định về tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng và quy định về tỉ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng các cấp.
Đại diện của vụ Thi đua Khen thưởng cho biết: Tiêu chuẩn để xét tặng hai giải thưởng trên là nghệ sĩ, tác giả phải đoạt giải vàng, giải A hoặc giải nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn hoá nghệ thuật toàn quốc (cấp quốc gia). Nếu không, họ phải sở hữu giải thưởng cao nhất của hội chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm quốc tế. Sau đó, khi xét duyệt ở các cấp, họ phải đạt 90% phiếu đồng ý của thành viên hội đồng mới được trình lên cấp cao hơn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước cho một số tác giả vào tháng 5/2017. |
Tại hội nghị, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường - nguyên Cục phó cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (bộ VH,TT&DL) chia sẻ, việc quy định huy chương, giải thưởng đang làm khó giới mỹ thuật: “Các nghệ sĩ tạo hình và họa sĩ thấy chưa thỏa đáng với việc tính huy chương giải thưởng như hiện nay. Bởi, triển lãm mỹ thuật quốc gia hiện nay tổ chức rất ít. Trong vài năm trở lại đây, 5 năm mới tổ chức 1 cuộc triển lãm mỹ thuật quốc gia và rất khó được huy chương vàng. Đời sáng tác mỹ thuật nhiều lắm là 20 năm, vậy chỉ tham dự khoảng 4 cuộc triển lãm là quá thiệt thòi cho ngành mỹ thuật và nghệ sĩ tạo hình, điêu khắc”.
Chia sẻ thêm về tiêu chí xét duyệt hai giải thưởng quan trọng trên, ông Chu Chí Thành - nguyên Chủ tịch hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: “Đợt trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước vào tháng 5/2017 vừa qua, nếu áp dụng đúng tiêu chí về giải thưởng, huy chương thì hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh không có ai được các giải thưởng cao quý trên, nhưng nhờ có điều chỉnh của Thủ tướng Chính phủ nên mảng nhiếp ảnh có 5 tác giả được giải thưởng.
Bởi thế, tôi cho rằng, tiêu chí về giải thưởng, huy chương cần được nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Hơn nữa, đối với các nghệ sĩ, tác giả đã đi qua các cuộc chiến tranh, họ là những anh hùng nơi đầu súng, dùng tác phẩm của mình để nói về hiện thực chiến tranh. Vậy họ có được xét tặng các giải thưởng trên không? Đó cũng là việc mà chúng ta nên quan tâm”.
Ông Chu Chí Thành - nguyên Chủ tịch hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. |
Cần xét những tiêu chí “mềm”
Tại hội nghị này, các tác giả, nghệ sĩ còn đề cập đến quy định phải đạt trên 90% phiếu đồng ý của hội đồng cũng là một bất cập nữa. Bởi, nếu chiếu theo quy định hiện hành thì tỉ lệ phiếu đồng ý của hội đồng các cấp phải đạt 90% trở lên mới được trình lên cấp cao hơn. Với quy định này, chỉ cần 2/15 thành viên không đồng ý là các hồ sơ xét tặng giải thưởng không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước. Do vậy, nhiều đại biểu cho rằng, đây là con số quá cao và đề xuất hạ tỉ lệ này xuống thêm 10% nữa.
Ông Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho hay: “Khi xét tặng 2 giải thưởng trên, nếu chiếu theo giải tỉ lệ 90% số phiếu là quá cao. Đừng để 1 - 2 người nắm phiếu quyết định, nếu chỉ vài người không bỏ phiếu là tác giả không có cơ hội được giải thưởng thì thiệt thòi quá”.
Chia sẻ quan điểm của mình, ông Vũ Quốc Khánh – Chủ tịch hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thẳng thắn: “Rất nhiều tác phẩm của các nhiếp ảnh gia chiến trường rất đẹp, rất có ý nghĩa, nhưng vì thời điểm đó là chiến tranh nên không có điều kiện tham gia các cuộc thi. Vậy tôi cho rằng, việc xét hai giải thưởng trên cần có những tiêu chí “mềm” để ghi nhận những đóng góp của họ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật”.
“Thêm nữa, người tham gia vào hội đồng thẩm định tác phẩm phải là người có chuyên môn cao thì mới đánh giá được tầm vóc tác phẩm. Một người chỉ giỏi mỹ thuật nhưng lại đi chấm nhiếp ảnh, kịch nói thì khó mà công bằng được. Ví dụ như tác phẩm Cầu người của nhiếp ảnh gia Phạm Văn Thính, đó là một tác phẩm chỉ có ở Việt Nam. Tác phẩm ghi lại cảnh các cô dân quân ngâm mình dưới nước và kê cầu trên vai để bộ đội tải thương binh đi qua. Một tác phẩm vô cùng có ý nghĩa nhưng đến nay vẫn chưa được giải thưởng. Bởi thế, hội đồng đánh giá cũng phải là những người cùng chuyên ngành với tác phẩm thì mới đánh giá chính xác được” – ông Quốc Khánh bày tỏ.
Ông Phạm Anh Phương - Phó Chủ tịch hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho hay: “Việc quy định các tác phẩm phải đạt trên 90% phiếu đồng ý của hội đồng các cấp cần phải xem lại. Tôi cho rằng, 80% phiếu bầu là con số hợp lý. Bởi vì, những tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cả bằng cảm xúc nữa nên mọi thứ chỉ ở mức tương đối. Tôi cũng đồng ý với quan điểm, chuyên môn của hội đồng thành viên cũng cần phải xem xét kỹ. Tôi từng ngồi một hội đồng xét duyệt và thấy rằng, mình cũng không nắm hết được chuyên ngành khác. Vì thế, trong các năm tiếp theo, hội đồng thẩm định nên mời đầy đủ các thành phần trong 9 lĩnh vực xét duyệt giải”.
Trước các ý kiến nêu trên, ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ VH,TT&DL) cho biết, Bộ sẽ ghi nhận các đóng góp và sẽ xem xét trong quá trình sửa đổi, để bổ sung Nghị định về xét duyệt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước vào các năm tiếp theo.
Lạc Thành
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 34
Post a Comment