Sau khi tòa án các cấp tuyên án tử hình không có kháng nghị hoặc không chấp nhận kháng nghị thì bao lâu Chủ tịch nước chấp nhận hay bác đơn đối với các bị án tử hình?
Thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) sáng 19/11, một số vị đại biểu đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong thi hành án tử hình.
Trước đó, khi thảo luận tại tổ nhiều đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung các quy định để khắc phục các hạn chế hiện nay trong công tác thi hành án tử hình như: thời gian người bị kết án tử hình bị giam giữ chờ thi hành án quá lâu, cơ sở giam giữ người bị kết án tử hình xuống cấp, chậm được đầu tư cải tạo, khó khăn trong áp giải người bị kết án đi thi hành án; khó khăn trong phối hợp giữa cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh với chính quyền địa phương trong mai táng người bị thi hành án tử hình.
Có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá đầy đủ về công tác thi hành án tử hình và việc quản lý người bị kết án tử hình vì việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc thời gian qua rất tốn kém, gặp nhiều khó khăn khi triển khai trên thực tế, từ năm 2011 đến năm 2018 có nhiều trường hợp tự sát.
Ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định về thời hạn thi hành án tử hình để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc kéo dài thời gian thi hành án tử hình hiện nay.
Cũng đề cập đến thi hành án tử hình, phát biểu trong phiên họp sáng 19/11đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) nói khoản 4 điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên, khẳng định: bất cứ người nào bị kết án tử hình đều có quyền xin ân giảm hoặc xin thay đổi mức hình phạt. Việc ân xá, ân giảm hoặc chuyển đổi hình phạt tử hình có thể được áp dụng đối với mọi trường hợp.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về vấn đề này tuy nhiên đã không quy định thời gian tối đa việc người có thẩm quyền bác hay không bác đơn xin ân giảm.
Những năm qua có một thực trạng, nhiều người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm nhưng không có quyết định bác hay không bác của người có thẩm quyền nên cơ quan thi hành án hình sự không dám thi hành, mà người bị kết án cũng trong tình trạng chờ chết. Quá trình đó có nhiều vấn đề phức tạp đã xảy ra, ví dụ có người viết đơn xin chết, có người quậy phá, tìm cách này, cách khác gây áp lực rất lớn cho cán bộ trại giam và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đại biểu Trang phát biểu.
Vì vậy, đại biểu Trang cho rằng luật này cũng cần phải có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc nêu trên theo hướng quy định trong vòng khoảng thời gian nhất định, ví dụ từ ba đến năm tháng, nếu không nhận được quyết định ân giảm thì sẽ tổ chức thi hành án tử hình. Quy định như vậy sẽ giảm được áp lực cho người có thẩm quyền trong việc bác hay không bác và cũng sẽ giải quyết được tình trạng người bị kết án tử hình chờ chết như hiện nay.
Cùng băn khoăn, đại biểu Sùng A Hồng (Điện Biên) nêu rõ, Bộ luật Hình sự và các luật khác, các văn bản dưới luật cũng như dự thảo luật này chưa quy định thời gian sau khi tòa án các cấp tuyên án tử hình không có kháng nghị hoặc không chấp nhận kháng nghị thì bao lâu Chủ tịch nước chấp nhận hay bác đơn đối với các bị án tử hình.
Trên thực tế, công tác giam giữ các bị án tử hình rất khó khăn, quá tải vì giam các bị án này phải trong điều kiện, môi trường khác so với các bị can, bị cáo bị án khác. Đồng thời, cũng khó khăn cho việc thực hiện một số quyền con người. Nhiều bị án xin được chết mà không được chết.... dẫn đến giam kéo dài nhiều năm, thậm chí có trường hợp hàng chục năm mà không có lý do, đại biểu Hồng phản ánh.
Đề nghị của đại biểu Hồng là nên quy định thời gian vào luật để không có những vấn đề bất cập như trên, đồng thời cũng đảm bảo tính pháp lý chứ không tùy nghi như hiện nay về thi hành án tử hình.
Post a Comment