Có thể xã hội hoá in ấn chứ không thể nào xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa, theo ý kiến một số vị đại biểu Quốc hội.

Chiều 8/11, góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại tổ,  đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận xét dự thảo đã mạch lạc sáng sủa hơn lần trước, nhưng còn một số điều tiếp thu chưa rõ ràng, như quy định về  chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

Vừa rồi sách giáo khoa là vấn đề nóng bỏng toàn xã hội, sửa luật thì nguyên tắc chung nên là 1 bộ sách giáo khoa chuẩn dùng cho cả nước do hội đồng thẩm định đề xuất, sử dụng được nhiều năm và nên có sự ổn định vài ba năm sửa một lần, ông Trí góp ý.

Về sách tham khảo theo đại biểu cũng nên có một lượng nhất định. Đây có nhiều anh chị đi học ở nước ngoài, cả anh Hải (Bí thư Thành Uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải-PV) cũng thế, có thể thấy ở nước ngoài thì một nội dung chỉ có một số sách tham khảo thôi.

Trở lại bất cập của sách giáo khoa thời gian vừa qua, ông Trí cho rằng nên xã hội hoá in ấn chứ không xã hội hoá biên soạn. Xã hội hoá biên soạn là hỏng hẳn, nhưng cũng không độc quyền in ấn như vừa qua, đại biểu Trí đề nghị.

Theo đại biểu, dự thảo tiếp thu chưa rõ ràng, nên sửa lại  là 1 môn học chỉ có 1 bộ sách giáo khoa chuẩn và 1 số sách tham khảo.

Cũng quan tâm đến vấn đề sách giáo khoa, cùng đoàn Hà Nội, đại biểu Nguyễn Văn Được cho rằng, đã nói đến sách giáo khoa là phải thống nhất, xã hội hoá cái gì thì xã hội, xây dựng cơ sở vật chất thì có thể xã hội hoá, "sách giáo khoa mà xã hội hoá thì cá nhân tôi không đồng tình".

Vì, theo quy định việc xã hội hoá biên soạn có thể phát huy được nguồn lực, trong đó có người đã nghỉ hưu. Nhưng lực đây là về con người, đồng tiền còn tính định hướng, tính mục tiêu khó đảm bảo được. Việc xây dựng biên soạn sách phải được thực hiện bởi những cơ quan có chuyên môn nhất định, đâu cũng biên soạn thì quản lý thẩm định thế nào, đại biểu Được băn khoăn.

Đồng ý xã hội hoá nhưng xã hội hoá xây dựng cơ sở vật chất, còn sách dứt khoát phải thống nhất, phải có bộ chuẩn. Ông cha ta người này học xong thì người sau tiếp tục hết cấp này sang cấp khác, ta thì thay đổi rất nhiều, cứ bảo xã hội hoá rồi cho cha mẹ lựa chọn sách là không khả thi, tôi không đồng tình. Sách giáo khoa là phải chuẩn, ông Được nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đề nghị tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài, từ thiết kế chương trình, sách giáo khoa tới triết lý giáo dục thay vì việc cứ mất công đi mở ra những cái riêng.

Theo đại biểu thì cần quan tâm triết lý giáo dục vì mấy chục năm nay đã đổi mới mà giáo dục vẫn trong vòng luẩn quẩn không tìm được lối thoát. Nền giáo dục cũng có mặt được nhưng còn rất nhiều mặt dở khiến dư luận bức xúc, ông Phương nhìn nhận.

Về các cấp học và độ tuổi giáo dục phổ thông, theo ông Phương, hiện vẫn quy định trẻ vào lớp 1 là 6 tuổi, trẻ vào lớp 6 là 11 tuổi, vào lớp 10 là 15 tuổi nghĩa là cứ mặc định bắt trẻ mỗi năm đều phải tuần tự lên lớp. Việc này đáng lẽ phải phụ thuộc vào đánh giá học sinh thế nào chứ, không thì nhất định là phải lên lớp, nghĩa là vẫn bệnh thành tích?

Ông Phương thuật lại việc mấy chục năm trước (những năm 1980) có cuộc kiểm tra việc phổ cập giáo dục thì các đoàn kiểm tra căn theo tuổi của trẻ. Có trường hợp trẻ 8 tuổi nhưng để chứng minh em đó học đúng tuổi, đúng lớp 3 thì trường rút giấy khai sinh và sửa tuổi của em đó lùi xuống 1 tuổi, còn 7 tuổi.

Đại biểu Phương cũng kiến nghị cần có quy định cụ thể về việc thực nghiệm, thí điểm những mô hình mới, tránh tình trạng như vừa qua chương trình công nghệ giáo dục thí điểm 40 năm vẫn chưa kết luận là thí điểm nữa hay không. Việc này tạo ra cho người dân nhiều băn khoăn. Có thầy cô dạy thì ca ngợi, người khác lại không đồng tình vì cho rằng việc dạy như vậy triệt tiêu sáng tạo của giáo viên. Theo hướng "công nghệ" này thì cha mẹ cũng không dạy được con mà như GS Hồ Ngọc Đại lý giải là việc dạy học là một "nghề", cần chuyên nghiệp hoá.

Về mô hình VNEN, theo đại biểu Phương, thì lại là một chương trình bắt chước theo Colombia mà đó lại không phải là một quốc gia mạnh về giáo dục. Điều lạ là chương trình này cũng do Bộ Giáo dục tiến hành làm thí điểm. Mô hình này chỉ phù hợp với những quốc gia có địa hình phân tán, trong đó có thể có nhiều nhóm trẻ, nhiều bậc học trong một lớp nên phải chia nhóm. Để "xử lý" vấn đề đó cho phù hợp, Bộ Giáo dục lại giải thích là chia nhóm trẻ trong cùng một lớp chỉ để cho học sinh được độc lập phát triển, đại biểu phân tích.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top