"Rõ ràng là công trình lớn, công trình nhỏ gì cũng vậy. Tôi thấy quy trình hiện nay quá dài. Chúng ta tự tạo khó cho chúng ta", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nói.

Sáng 12/11, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ trưởng Thể miêu tả đường đi "vất vả" của các dự án đầu tư công, kể cả to lẫn nhỏ.

Với dự án mà phải trình Quốc hội phê duyệt thì Bộ trưởng khẳng định chắc chắn sẽ rất chậm.

Vì, để trình lên tới Quốc hội thì các bộ, ngành phải chuẩn bị nội dung, báo cáo lên Chính phủ. Trước khi báo cáo lên Chính phủ phải có sự đồng thuận của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... Chính phủ đồng ý mới trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban này đồng ý thì mới đưa vào chương trình nghị sự trình lên Quốc hội. Lên tới Quốc hội thì Quốc hội thảo luận một kỳ họp sau đó mới thông qua được danh mục dự án. Tiếp đến, quay lại giao cho Chính phủ yêu cầu bộ ngành làm một cách kỹ lưỡng.

Ông Thể lấy ví dụ, sân bay Long Thành năm 2015 Quốc hội thống nhất chủ trương xây dựng rồi sau đó quay lại Bộ Giao thông Vận tải lập hồ sơ dự án xin chủ trương đầu tư, Bộ thẩm định, thống nhất rồi mới trình các bộ ngành, sau đó trình lên Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, cuối cùng Quốc hội mới phê duyệt dự án.

"Tôi thấy một vòng đi lên để duyệt danh mục mất 6 tháng - 1 năm, rồi một vòng ngược lại phê duyệt dự án mất cả năm nữa mới bắt đầu đấu thầu, thiết kế dự án, chọn thầu, phê duyệt… Quy trình hiện nay quá nhiều giai đoạn và cuối cùng là dự án triển khai rất chậm", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Từ phân tích trên, ông Thể cho rằng nếu sửa Luật Đầu tư công mà không cải thiện được quy trình này thì việc triển khai các dự án vẫn sẽ chậm, có chăng chỉ làm rõ thêm được trách nhiệm của một số bộ, ngành, cơ quan mà thôi.

Nhưng, không chỉ dự án lớn mới vất vả như thế, mà dự án nhỏ thì theo người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng rườm rà không kém.

Chẳng hạn, dự án nhỏ ở 1 tỉnh cũng phải đi qua đủ các bước từ chuẩn bị chủ trương đầu tư để thông qua ở tỉnh, xong xuôi mới trình ra ngoài này để các bộ, ngành tập hợp báo cáo Quốc hội, sau khi Quốc hội quyết cho ghi danh mục thì mới về tỉnh lập lại hồ sơ, rồi trình ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Bộ này xem xét, thẩm định nguồn vốn.

Sửa luật lần này, ông Thể nhấn mạnh rằng, nếu không thay đổi quy trình thì chắc chắn các dự án đầu tư công sẽ chậm gấp 2-3 lần so với dự án tư nhân. Và dù mỗi dự án qua bao nhiêu bộ, ngành nhưng dự án ở tỉnh nào chậm tỉnh đó phải chịu trách nhiệm, ngành giao thông làm dự án chậm thì Bộ cũng phải chịu trách nhiệm toàn bộ…

"Quốc hội, Chính phủ luôn yêu cầu phải làm nhanh, bảo đảm tiến độ và chất lượng, cố gắng hoàn thành tốt đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhưng hiện nay, nếu làm nhanh mà không đảm bảo đúng thủ tục, đúng quy định thì việc này không cho phép. Và chúng ta cũng đã có những bài học xương máu, rất nhiều dự án, nhiều công trình khi chúng ta làm nhanh, bỏ qua một số giai đoạn mà chúng ta nghĩ rằng giai đoạn đó chỉ mang tính thủ tục, không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình, nhưng khi thanh tra, kiểm toán, thanh tra thì chỉ cần làm sai ngày tháng cũng bị nêu trong báo cáo là làm không đúng quy định", Bộ trưởng phát biểu.

Nhấn mạnh rằng với một sự lòng vòng như trên thì sẽ mất nhiều thứ, trước hết là mất thời gian, và quan trọng hơn là mất tiền do đội giá, trượt giá, ông Thể góp ý cần rút gọn các thủ tục trong Luật Đầu tư công.

Với những dự án lớn thì quy định rõ quy mô lớn thế nào thì trình Quốc hội. Còn những dự án nhỏ thì Quốc hội nên quản lý theo mục tiêu, còn giao trách nhiệm cho Chính phủ quyết, rồi báo cáo lại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó, mỗi một kỳ họp Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo tổng hợp lên Quốc hội để Quốc hội nắm được miếng bánh ngân sách đã được bố trí cho từng lĩnh vực ra sao, Quốc hội có thể dành 1 ngày để thảo luận cho ý kiến về các con số Chính phủ báo cáo, Bộ trưởng nói.

Luật sửa đổi, theo Bộ trưởng nên thiết kế lại theo hướng Quốc hội quản lý tổng thể theo đúng mục tiêu và không cụ thể các công trình dự án, để Chính phủ và các Bộ, ngành chịu trách nhiệm thực hiện. Cùng với đó, dự án khi đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội thông qua rồi thì phần thẩm định giao trách nhiệm cho cơ quan trực tiếp triển khai, anh nào làm sai xử ngay tức khắc, như vậy mới nhanh được.

Băn khoăn nữa của Bộ trưởng là quy định bất cứ cái gì cũng phải trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư khiến quy trình kéo dài lê thê.

"Tại sao không tin tưởng anh em? Giả sử nếu giao Bộ Giao thông vận tải làm, Bộ làm sai thì phải chịu trách nhiệm hết, như vậy sẽ chủ động hơn rất nhiều. Nhiều người làm sẽ tốt hơn một người. Nếu tất cả dồn hết lên Bộ Kế hoạch và đầu tư thì làm sao mà nhanh được, vì họ chỉ có bấy nhiêu con người", ông Thể phân tích.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top