Kết quả bầu cử Quốc hội Mỹ 2018 đã ngã ngũ. Đảng Dân chủ đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện sau 8 năm, trong khi Đảng Cộng hòa tiếp tục duy trì và gia tăng thêm đa số tại Thượng viện. Vậy Quốc hội Mỹ vận hành thế nào? Hạ viện hay Thượng viện có quyền lực hơn?
Embed from Getty Images
Đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện sau 8 năm
Điều I của Hiến pháp Mỹ trao toàn bộ quyền lập pháp của chính quyền liên bang cho một Quốc hội được chia thành hai viện – Thượng viện và Hạ viện. Thượng viện là viện nhỏ hơn, trong đó theo quy định của Hiến pháp mỗi bang có hai thành viên. Thượng viện hiện nay có 100 thành viên. Còn ở Hạ viện, tư cách thành viên được xác định căn cứ vào dân số và diện tích của bang, do đó không được quy định cụ thể trong Hiến pháp. Số thành viên của Hạ viện hiện nay là 435 người.
Cho đến 100 năm sau khi Hiến pháp ra đời, các Thượng nghị sĩ không do dân chúng bỏ phiếu để bầu trực tiếp, mà do các nhà lập pháp của bang lựa chọn và được coi như đại diện của các bang. Nhiệm vụ của các Thượng nghị sĩ là bảo đảm cho bang mình được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Năm 1913, Tu chính Án 17 đã quy định bầu trực tiếp Thượng nghị sĩ.
Hiến pháp quy định Phó Tổng thống sẽ là Chủ tịch Thượng viện. Phó Tổng thống không có quyền bỏ phiếu, trừ trường hợp hai bên bằng phiếu nhau. Thượng viện chọn một Chủ tịch lâm thời để điều hành khi Phó Tổng thống vắng mặt. Hạ viện tự chọn quan chức điều hành của mình – tức Chủ tịch Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch lâm thời Thượng viện bao giờ cũng là thành viên của chính đảng có số đại diện lớn nhất ở mỗi viện.
Vào đầu mỗi nhiệm kỳ Quốc hội mới, thành viên của các chính đảng lựa chọn các nhà lãnh đạo của viện và các quan chức khác để xử lý khối lượng các văn bản pháp luật được đề nghị. Các quan chức này, cùng với các quan chức điều hành và chủ tịch các ủy ban, ảnh hưởng mạnh mẽ đối với quá trình làm luật.
Quốc hội Mỹ có quyền lực và quyền hạn rộng lớn trong tất cả những vấn đề thuộc mối quan tâm quốc gia. Mặc dù so sánh với ngành hành pháp thì sức mạnh của nó có lúc tăng lúc giảm theo những thời kỳ khác nhau của lịch sử đất nước, song Quốc hội chưa bao giờ tỏ ra nhu nhược hay chấp thuận một cách thiếu suy nghĩ trước các quyết định của tổng thống.
Hiến pháp yêu cầu Thượng nghị sĩ Mỹ phải có tuổi đời ít nhất là 30, có ít nhất 9 năm là công dân Mỹ, và là người cư trú tại bang đã bầu họ. Thành viên Hạ viện ít nhất phải đủ 25 tuổi, là công dân Mỹ ít nhất 7 năm, và là người cư trú tại bang đã tiến cử họ vào Quốc hội. Các bang có thể đặt thêm những yêu cầu khác cho việc bầu cử vào Quốc hội, song Hiến pháp cho quyền mỗi viện quy định các tiêu chuẩn thành viên của mình.
Mỗi bang có quyền có hai Thượng nghị sĩ. Do vậy, Rhode Island, bang nhỏ nhất với diện tích 3.156 km2 cũng có số đại diện ở Thượng viện bằng số đại diện của bang Alaska, bang lớn nhất có diện tích khoảng 1.524.640 km2. Bang Wyoming, với gần nửa triệu dân, cũng có số đại diện bằng số đại diện của bang California có hơn 32 triệu dân.
Tổng số thành viên của Hạ viện do Quốc hội quy định, sau đó con số này được phân bổ cho các bang theo dân số. Bất kể dân số là bao nhiêu, mỗi bang đều được Hiến pháp bảo đảm có ít nhất một thành viên trong Hạ viện. Hiện nay có sáu bang – Alaska, Delaware, North Dakota, South Dakota, Vermont và Wyoming – mỗi bang chỉ có một đại diện ở Hạ viện, và sáu bang khác, mỗi bang có số đại diện là hơn 20 người – riêng California hiện có 52 đại diện.
Cơ quan lập pháp của bang chia các bang thành các quận có tính chất như một đơn vị bầu cử quốc hội, với dân số về cơ bản phải tương đương nhau. Cứ hai năm một lần, các cử tri của mỗi quận chọn ra một đại diện của mình tại Quốc hội.
Thượng nghị sĩ được lựa chọn qua các cuộc bầu cử trên toàn bang, được tổ chức vào các năm chẵn. Nhiệm kỳ của Thượng nghị sĩ là sáu năm, và cứ hai năm một lần, 1/3 số Thượng nghị sĩ được bầu lại. Do đó, có 2/3 Thượng nghị sĩ luôn luôn là những người đã có những kinh nghiệm lập pháp nhất định ở cấp quốc gia.
Về mặt lý thuyết, Hạ viện có thể bao gồm toàn bộ thành viên là những người mới bước vào lĩnh vực lập pháp. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các thành viên đều được bầu lại vài lần, và Hạ viện, cũng giống như Thượng viện, có thể luôn luôn dựa vào một nhóm nòng cốt các nhà lập pháp có kinh nghiệm.
ADVERTISEMENT
Do các thành viên của Hạ viện phục vụ trong thời hạn 2 năm, nên đời sống của một Quốc hội được coi là 2 năm. Tu chính Án thứ 20 quy định kỳ họp thường niên của Quốc hội được tiến hành vào ngày 3 tháng Một hàng năm, trừ khi Quốc hội ấn định vào một ngày khác. Quốc hội vẫn duy trì kỳ họp cho tới khi các thành viên bỏ phiếu hoãn lại, thường là tới cuối năm. Tổng thống có thể triệu tập một cuộc họp đặc biệt nếu thấy cần thiết. Các kỳ họp được tổ chức tại Capitol Hill ở Washington D.C.
Mỗi viện của Quốc hội có quyền đưa ra văn bản pháp lý về bất cứ vấn đề gì trừ các dự luật về thu ngân sách là phải bắt nguồn từ Hạ viện. Do vậy, có thể các bang lớn bề ngoài dường như có nhiều ảnh hưởng đối với công quỹ hơn so với các bang nhỏ. Song trên thực tế mỗi viện đều có quyền bỏ phiếu chống lại những văn bản pháp lý đã được viện kia thông qua. Thượng viện có thể không tán thành một dự luật về thu ngân sách của Hạ viện – hoặc bất kỳ một dự luật nào liên quan đến vấn đề này – hoặc bổ sung những sửa đổi làm thay đổi bản chất của chúng. Trong trường hợp đó, một tiểu ban tham vấn, được thành lập bao gồm thành viên của cả hai viện, phải đi tới được một sự thỏa hiệp có thể chấp nhận đối với cả hai bên trước khi dự luật trở thành luật.
Thượng viện cũng có những quyền hạn nhất định dành riêng cho cơ quan này, trong đó có quyền xác nhận sự bổ nhiệm của tổng thống đối với các quan chức cao cấp và các đại sứ của chính quyền liên bang, cũng như quyền phê chuẩn tất cả các hiệp ước với 2/3 số phiếu thuận. Trong cả hai trường hợp, hành động không ủng hộ của Thượng viện sẽ vô hiệu hóa hành động của ngành hành pháp.
Trong trường hợp luận tội các quan chức liên bang, Hạ viện có toàn quyền đưa ra lời buộc tội về hành vi bất chính có thể dẫn tới việc xét xử ở tòa án. Thượng viện cũng có toàn quyền kiểm tra những trường hợp luận tội và xác minh xem các quan chức là có tội hay vô tội. Khi bị phát hiện là phạm tội, quan chức liên bang sẽ buộc phải rời khỏi cơ quan nhà nước.
Quyền hạn rộng lớn của Quốc hội được nêu rõ trong Điều I của Hiến pháp:
- Đánh thuế và thu thuế;
- Vay tiền cho công quỹ;
- Thiết lập các luật lệ và các quy chế điều chỉnh quan hệ thương mại giữa các bang và với nước ngoài;
- Thiết lập các quy định thống nhất cho việc nhập tịch của công dân nước ngoài;
- Đúc tiền và in tiền, công bố giá trị của nó và đưa ra những hình phạt đối với việc làm tiền giả;
- Thiết lập các chuẩn mực cho trọng lượng và các thước đo;
- Thiết lập luật phá sản trong cả nước;
- Thiết lập các trạm bưu điện và các mạng lưới bưu điện;
- Cấp bằng sáng chế và các bản quyền;
- Thiết lập hệ thống tòa án liên bang;
- Trừng phạt tội ăn cắp bản quyền;
- Tuyên bố chiến tranh;
- Phát triển và hỗ trợ quân đội;
- Chu cấp cho hải quân;
- Kêu gọi lực lượng dân vệ thực thi các luật liên bang; trấn áp các hành động phạm pháp hoặc đẩy lùi các cuộc xâm lược của các thế lực nước ngoài;
- Làm ra tất cả các luật cho trụ sở của chính quyền (Washington D.C);
- Làm ra tất cả các luật cần thiết để cho Hiến pháp có hiệu lực.
Một vài quyền hạn trong số này ngày nay đã lạc hậu nhưng chúng vẫn còn hiệu lực. Tu chính Án thứ 10 đã thiết lập những giới hạn xác định đối với quyền lực của Quốc hội bằng việc quy định rằng những quyền hạn không được trao cho chính phủ quốc gia thì được trao cho các bang hay cho dân chúng. Ngoài ra, Hiến pháp cũng có những điều cấm cụ thể đối với những hoạt động nhất định của Quốc hội. Quốc hội không được phép:
- Tạm hoãn lệnh đòi bắt giam – yêu cầu người bị tố cáo là phạm tội phải ra trình diện trước thẩm phán hoặc tòa án trước khi thụ án – trừ phi đó là cần thiết trong thời gian xảy ra nổi loạn hay nạn ngoại xâm;
- Thông qua các luật trong đó lên án ai đó về sự phạm tội hay hành vi phạm pháp mà không thông qua tòa án;
- Thông qua bất cứ luật nào đã có hiệu lực từ trước trong việc khiến cho một hành động cụ thể được coi là một tội phạm;
- Đánh thuế trực thu lên công dân, trừ trường hợp dựa trên cơ sở một cuộc điều tra dân số đã được tiến hành;
- Đánh thuế hàng xuất khẩu từ bất cứ bang nào;
- Dành ưu đãi đặc biệt về thương mại hoặc thuế đối với các cảng biển của một bang bất kỳ hay các tàu thuyền lớn sử dụng chúng; và
- Phê chuẩn bất kỳ một tước vị qúy tộc nào.
Quốc hội có quyền làm luật và giám sát thực thi luật thông qua các ủy ban của hai viện. Các ủy ban của Hạ viện và Thượng viện như sau:
Ủy ban tại Hạ viện | Ủy ban tại Thượng viện |
|
|
Với những cơ chế kiểm soát mạnh mẽ hoạt động không ngừng nghỉ thông qua những ủy ban chuyên trách, không khó để tưởng tượng ra tầm ảnh hưởng của các thành viên Quốc hội Mỹ đối với mọi hoạt động kinh tế – xã hội của quốc gia.
Cơ chế này giúp cho người dân biết rõ các đại biểu của mình đang làm gì, rồi từ đó người dân sẽ lựa chọn thái độ tín nhiệm hay không tín nhiệm các đại biểu đó. Đó là điều tốt nhất cho một nền chính trị lành mạnh.
***
Tóm tắt quyền lực của Hạ viện và Thượng viện:
Hạ viện | Thượng viện | |
Tư cách thành viên | Đủ 25 tuổi, quốc tịch Mỹ đủ 7 năm | Đủ 30 tuổi, quốc tịch Mỹ đủ 9 năm |
Nhiệm kỳ | 2 năm | 6 năm |
Cách thức bầu | Bầu trong nội bộ 1 quận | Bầu trong toàn tiểu bang |
Quyền hạn đặc biệt | Đề xuất các luật về thu ngân sách | Xác nhận sự bổ nhiệm của tổng thống đối với các quan chức cao cấp và các đại sứ của chính quyền liên bang, cũng như quyền phê chuẩn tất cả các hiệp ước |
Về luận tội quan chức cao cấp | Toàn quyền đưa ra lời buộc tội về hành vi bất chính có thể dẫn tới việc xét xử ở tòa án | Toàn quyền kiểm tra những trường hợp luận tội và xác minh xem các quan chức là có tội hay vô tội |
Xuân Thành (T/h)
Trí Thức VN
Post a Comment