Bộ Nội vụ cũng đề xuất cá nhân vi phạm pháp luật hình sự sẽ không được tham gia sáng lập viên và tham gia vào hội đồng quản lý quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Nghị định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện nhằm tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về quỹ, tránh tình trạng lợi dụng các quy định của pháp luật còn chưa hoàn chỉnh để trục lợi của một số tổ chức quỹ.

Theo đó, điểm mới của dự thảo này là quy định rõ các hành vi quỹ không được làm xâm phạm uy tín của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng; gây phương hại đến lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng.

Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của quỹ xã hội, quỹ từ thiện không được vi phạm như tư lợi, gian dối về tài chính trong quá trình thành lập quỹ và khi quỹ hoạt động.

Quy định trách nhiệm của quỹ xã hội, quỹ từ thiện khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thể liên quan đến tổ chức, hoạt động quỹ.

Bên cạnh đó, dự thảo quy định các hành vi nghiêm cấm khi thực hiện việc góp tài sản để thành lập quỹ đối với tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước.

Cụ thể, các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước không được sử dụng tiền ngân sách giao hoặc hỗ trợ, tài sản được ngân sách nhà nước giao hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để tham gia góp tài sản thành lập quỹ.

Đáng chú ý, dự thảo cũng quy định các cá nhân vi phạm pháp luật hình sự không được tham gia sáng lập viên.

Theo đó, so với quy định hiện hành, dự thảo quy định người tham gia hội đồng quản lý quỹ không được vi phạm pháp luật hình sự. Hội đồng quản lý quỹ xã hội, quỹ từ thiện là cơ quan quản lý của quỹ, nhân danh quỹ để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của quỹ nên các thành viên phải có đủ năng lực hành vi dân sự, không vi phạm pháp luật hình sự, không bị cơ quan Tòa án tuyên bố cấm thực hiện các hoạt động về quỹ, không có tranh chấp tài sản đóng góp để thành lập quỹ.

Một điểm mới khác tại dự thảo của Bộ Nội vụ lần này là đề xuất tăng mức hoạt động quản lý quỹ từ 5% lên không quá 10% tổng thu hàng năm của quỹ. Trường hợp vượt quá 10% tổng thu hàng năm thì phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính cùng cấp.

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Nội vụ cho biết, quy định mức chi hoạt động quản lý quỹ hiện nay 5% là thấp, không đủ kinh phí để chi cho hoạt động quản lý, trong đó có việc vận động, tiếp nhận và tài trợ cho các đối tượng theo quy định tại điều lệ quỹ, làm khó khăn trong quá trình vận động, tiếp nhận, tài trợ của quỹ.

"Bộ Nội vụ đã xin ý kiến các cơ quan Trung ương, địa phương và một số quỹ về nội dung tăng định mức chi hoạt động quản lý quỹ từ 5% lên 10%. Một số cơ quan, trong đó có Bộ Tài chính và các quỹ đều thống nhất nội dung này", Bộ Nội vụ khẳng định.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top