UBND Tp.Hà Nội vừa có văn bản số 5373 gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về dự thảo báo cáo điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Tp.Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung quan trọng là bổ sung Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa Sóc Sơn.
UBND Tp.Hà Nội cho biết, trước đó, tại Công văn số 1941/VPCP-QHQT ngày 1/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của UBND Tp.Hà Nội bổ sung Dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa) vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Tp. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 - (gọi tắt là QH2011).
Theo UBND Tp. Hà Nội, việc điều chỉnh QH2011, trong đó trọng tâm là bổ sung dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa) có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố thêm nguồn lực đầu tư, tạo ra những sản phẩm du lịch mới chất lượng hơn, thúc đẩy mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Dự kiến dự án có vốn đầu tư khoảng trên 500 triệu USD, chiếm tỷ trọng khoảng 1% tổng đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố và ngành du lịch, dịch vụ trên địa bàn chịu tác động trực.
Hà Nội cho rằng, việc bổ sung Dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa vào quy hoạch có tác động đến nguồn ngân sách của thành phố nhưng không lớn, do thành phố chỉ chi ngân sách cho việc tổ chức giải phóng mặt bằng, tổ chức quản lý dự án, trong khi đó mặt bằng khu vực dự kiến hình thành dự án chủ yếu là đất ruộng nông nghiệp.
Vì vậy, việc bổ sung dự án không gây ảnh hưởng tới các dự án khác theo quyết định phê duyệt QH2011. Ngoài ra, dự án còn thúc đẩy quá trình liên kết, phát triển vùng do địa điểm dự án tại huyện Sóc Sơn tiếp giáp các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, là những địa phương đang phát triển nhiều khu công nghiệp.
Nằm trong quần thể các khu, điểm du lịch phía bắc của Thủ đô, việc đưa dự án vào hoạt động sẽ bổ sung thêm sản phẩm du lịch có chất lượng cao trên địa bàn thành phố. Dự án còn tạo liên kết các chuỗi dịch vụ, du lịch liên kết vùng, liên kết ngành, đặc biệt với vị trí nằm trong vùng phát triển công nghiệp dọc hành lang Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng.
Việc hình thành dự án trên cũng sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn, thuế doanh nghiệp thu được dự kiến đạt trung bình khoảng 10 triệu USD/năm và khoảng 40-50 triệu USD/năm khi dự án đi vào vận hành toàn bộ.
Ngoài ra, tiền thuế tiêu thụ đặc biệt do hoạt động đua ngựa khi dự án đi vào hoạt động khoảng 100-200 triệu USD/năm.
Hà Nội cho rằng, khi dự án hình thành, nguồn thu cho ngân sách địa phương sẽ tăng mạnh, các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh có điều kiện và mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với loại hình đặt cược. Khi dự án đi vào vận hành sẽ đảm bảo nguồn thu thường xuyên tương đối lớn cho ngân sách thành phố.
Việc hình thành dự án cũng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành lĩnh vực thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư xây dựng các khu du lịch, khu đô thị, hạ tầng sản xuất kinh doanh và các hoạt động thu hút đầu tư khác trên địa bàn.
Ngoài ra, việc xây dựng dự án dự kiến sẽ sử dụng một lượng lớn lao động trong nước, điều này giúp giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trong nước, điều này giúp giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của Hà Nội, khu vực và cả nước.
Quá trình hình thành và vận hành dự án sẽ tạo thu nhập cho khoảng 5.000 lao động trực tiếp, trong đó ưu tiên tuyển dụng lao động từ địa phương và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, các hoạt động phụ trợ của dự án sẽ gop phần lan tỏa các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác, dự tính thu hút khoảng 20-25 nghìn lao động.
"Việc triển khai xây dựng tiện ích phục vụ trường đua ngựa như khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm và công viên phục vụ cho văn hóa giải trí gia đình còn tạo ra các hình thức hoạt động văn hóa mới, lành mạnh đối với người dân trong khu vực cũng như khách du lịch trong nước và quốc tế", văn bản của UBND Tp. Hà Nội cho biết.
Post a Comment