Ốc bươu vàng hại lúa, ong Ý tước đi cơ hội mưu sinh nhỏ nhoi của đồng bào cao nguyên đá Hà Giang, đều là những vấn đề cần xử lý trong Luật Chăn nuôi, theo ý kiến đại biểu.
Chiều 7/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Chăn nuôi.
Một trong những vấn đề khiến đại biểu còn băn khoăn là quy định các hành vi bị cấm, trong nhập khẩu. Cụ thể khoản 7 điều 12 cấm nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Khoản 8 cấm nhập khẩu kinh doanh, chế biến thịt nội tạng của vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân. Khoản 9 cấm nhập khẩu chăn nuôi phóng thích sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng quy định về cấm nhập khẩu đối với chăn nuôi như vậy là chưa đầy đủ. Vì trong thời gian qua, Việt Nam nhập khẩu một số vật nuôi có tác hại đến môi trường sống, môi trường sản xuất như nhập khẩu ốc bươu vàng. Hậu quả là nhiều nơi loài ốc này phá hoại các cánh đồng sản xuất lúa.
"Tôi đề nghị thêm một khoản cấm nữa để có cơ sở pháp lý quản lý chặt chẽ hơn những vật nuôi nguy hại này, đó là cấm nhập khẩu vật nuôi có tác hại đến môi trường sản xuất, môi trường sống", đại biểu đề nghị.
Cũng liên quan đến xuất nhập khẩu, đại biểu Hầu Văn Lý (Hà Giang) cho rằng khoản 6 điều 12 bên cạnh quy định cấm xuất khẩu trái phép các nguồn gen, giống vật nuôi quý hiếm thì nên bổ sung cả cấm nhập khẩu trong khoản này.
Trong thực tế, chúng ta đã nhập khẩu những con ong công nghiệp, ốc bươu vàng mà ở thời điểm đó cho rằng quý hiếm nên mới nhập, sau đó đã trở thành dịch và đã phải tốn kém nhiều kinh phí để xử lý việc này, đại biểu Lý nhấn mạnh.
Vị đại biểu Hà Giang phản ánh ngay một thực tế làm các cử tri vùng cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang rất băn. Bởi ở vùng này có một giống ong thuần chủng, do người dân địa phương đã thuần hóa rất lâu đời, trở thành giống ong bản địa, kết hợp với hoa bạc hà là hoa tự nhiên, tạo ra sản phẩm mật ong bạc hà rất nổi tiếng.
Cũng vì nổi tiếng nên có rất nhiều cá nhân, tổ chức đến đây nuôi, sử dụng mật ong nhưng lại dùng giống từ nơi khác đến như cử tri nói đây là giống ong Ý. Cứ sau mỗi mùa người ta đến, đi, tổng đàn ong của địa phương lại ít đi. Đàn ong Ý rất to, bay rất xa, khỏe, cắn chết ong địa phương.
Đồng nghĩa với việc cứ mỗi một mùa như thế, đàn ong của địa phương sẽ ít đi. Như vậy, cơ hội nhỏ nhoi mà người dân tộc ở vùng này thực hiện xóa đói, giảm nghèo sẽ bị tước mất, đại biểu Lý nói.
Thừa nhận ý đại biểu rất đúng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ gỉai quyết vấn đề này, có thể không phải trong Luật Chăn nuôi nhưng phải hướng dẫn rõ về chỉ dẫn địa lý.
Bộ trưởng cũng nói thêm rằng Luật Chăn nuôi được xây dựng trong bối cảnh điều kiện đã khác trước, lao động trong nông nghiệp năm 2018 chỉ còn khoảng 37%. Riêng chăn nuôi lợn trước đây trên 10 triệu hộ, hiện nay chỉ còn khoảng trên dưới 3 triệu hộ,
Ngoài ra, nhu cầu hiện nay của 100 triệu dân đòi hỏi phải tạo ra những sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn để gắn không chỉ cho 100 triệu dân mà gắn với một nền kinh tế mà du lịch được xác định là một hướng mũi nhọn, phải khai thác cho tốt các sản phẩm lợi thế của Việt Nam, trong đó có sản phẩm chăn nuôi, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Post a Comment