Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Gíao dục đại học.
Một trong những vấn đề lớn được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý là quy định về tài chính và tài sản.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, có ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc đầu tư cho giáo dục đại học, đổi mới phương thức đầu tư, đa dạng hóa nguồn thu, rà soát quy định về tài chính, tài sản và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản đồng bộ với pháp luật liên quan.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật được chỉnh lý, bổ sung theo hướng xác định trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư phát triển giáo dục đại học, quy định phương thức phân bổ ngân sách thông qua các hình thức: chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu, đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả.
Ông Bình cho biết, về học phí, dự thảo luật quy định đây là khoản thu mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục đại học để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo. Mức thu học phí được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo theo quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng quy định cơ sở giáo dục đại học phải công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và các khoản thu dịch vụ khác cho từng năm học và cho cả khoá học cùng với thông báo tuyển sinh; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí vào quỹ hỗ trợ sinh viên để hỗ trợ người học có khó khăn về tài chính.
Liên quan đến nội dung này, phần thảo luận, một số vị đại biểu đề nghị phải quy định cụ thể tỷ lệ trích nguồn thu học phí vào quỹ hỗ trợ sinh viên để thực hiện thống nhất.
Về quản lý tài chính, theo báo cáo giải trình, cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, có nghị quyết thông qua của hội đồng trường được tự chủ quyết định đầu tư dự án phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu, tự quyết định nội dung và mức chi từ nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước. Dự thảo Luật cũng yêu cầu cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện kiểm toán và công khai nguồn tài chính.
Với quản lý, sử dụng tài sản, dự thảo luật quy định tài sản do Nhà nước đầu tư, giao cho cơ sở giáo dục đại học được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản công. Nhà trường được phép sử dụng một phần tài sản được giao vào kinh doanh, cho thuê, liên kết nhằm mục đích phát triển gíao dục đại học theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển.
Đồng ý với quy định này, song có ý kiến tại phiên thảo luận cho rằng phải nói rõ điều kiện kinh doanh không vì lợi nhuận để tránh lợi dụng chính sách.
Trong quy định về phát triển hệ thống đại học tư thục, ông Bình cho biết dự thảo luật cũng hướng đến việc quy định rõ mô hình và cơ chế tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục vận dụng theo mô hình doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của giáo dục đại học và không thương mại hoá.
Theo đó, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của nhà đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục và mối liên quan với hội đồng trường tư thục, yêu cầu các cơ sở gíáo dục tư thục phải trích tối thiểu 25% chênh lệch thu chi để tái đầu tư cho hoạt động giáo dục.
Post a Comment