Cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn, trong đó Việt Nam mong muốn hướng tới tăng trưởng thương mại bền vững và ổn định là thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong khuôn khổ tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất - CIIE 2018 theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, ngày 4/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hoan nghênh việc triển khai sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) theo hướng thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, hỗ trợ các nước đang phát triển trong xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối BRI với triển khai khuôn khổ hợp tác "Hai hành lang, một vành đai" tại Việt Nam. Khẳng định Việt Nam ủng hộ hợp tác Mekong - Lan Thương gắn với khuôn khổ hợp tác Mekong mở rộng (GMS) về quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước và phát triển bền vững của các nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, ổn định, lành mạnh và bền vững với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) sẽ mở ra những kênh hợp tác, phân phối mới thuận lợi để ngày càng có nhiều sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Đề nghị Trung Quốc mở cửa, tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam vào Trung Quốc; có chính sách và biện pháp thiết thực để giảm mức nhập siêu lớn hiện nay của Việt Nam, hướng tới thương mại song phương tăng trưởng ổn định, bền vững; hoan nghênh các doanh nghiệp hiện đại của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những kết quả tích cực của các cơ chế đàm phán và hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển giữa hai nước cũng như những tiến triển bước đầu trong đàm phán thực chất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc vừa qua.
Đồng thời đề nghị hai bên tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc. Kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam. Nhất trí cùng Việt Nam duy trì tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, cùng duy trì hoà bình, ổn định trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho quan hệ hai nước phát triển.
Về hợp tác kinh tế thương mại, Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu với Việt Nam, sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam để thương mại hai nước phát triển theo hướng cân bằng, bền vững.
Thời gian qua, Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp mở rộng nhập khẩu từ Việt Nam và đã từng bước giảm nhập siêu của Việt Nam. Trong năm vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 36,8%, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy xu thế này.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi toạ đàm với một số tập đoàn hàng đầu Trung Quốc. Thủ tướng cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam cần 25 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng và cần tới 138 tỷ USD vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện vào năm 2030. Nguồn vốn này sẽ được huy động từ nhiều nguồn lực, trong đó có khu vực tư nhân.
Tại cuộc tọa đàm, đại diện Tập đoàn ICBC châu Á cho biết, tập đoàn đã thành lập riêng một cơ quan để hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Ông Pu Jian, Giám đốc điều hành Tập đoàn Citic bày tỏ có thể giúp sản phẩm Việt Nam thâm nhập mạnh, sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.
Tập đoàn Sunwa đã xuất khẩu 80.000 tấn cà phê Việt Nam đi khắp các thị trường cho biết, cũng sẽ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch tại Việt Nam.
Đại diện Tập đoàn Quang Minh, tập đoàn thực phẩm lớn nhất Thượng Hải bày tỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm thì ngoài thương mại, chuyển giao kỹ thuật, hai bên có thể tính đến hợp tác đầu tư xây dựng.
Còn theo lãnh đạo Tập đoàn xây dựng Trung Quốc, một trong những nhà thầu xây dựng lớn của Trung Quốc, tập đoàn này đang hợp tác với Tập đoàn Sunwa đầu tư xây dựng một tòa nhà ở Tp.HCM.
Post a Comment