Dù đã đồng ý rút ngắn thời gian thảo luận dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) từ một ngày xuống nửa ngày song sáng 15/11 vẫn có đến 63 đại biểu đăng ký phát biểu.

Với quy định tối đa 7 phút cho một lần phát biểu và còn dành thời gian cho ban soạn thảo giải trình thì thời gian 190 phút làm việc buổi sáng chỉ đủ cho chưa đến 30 vị đại biểu được đăng đàn.

Với kỳ vọng từ sửa đổi một số điều sang sửa đổi toàn diện, giáo dục Việt Nam sẽ sáng sủa hơn, đại biểu quan tâm góp ý từ triết lý giáo dục cho đến chương trình thực nghiệm và nhiều vấn đề cụ thể khác của tất cả các cấp học.

Xã hội đã chờ đợi đủ lâu cho một triết lý giáo dục đúng tầm, học để thành nhân và kiến quốc, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) tâm tư về triết lý giáo dục.

Theo đại biểu, ở mỗi trường học hiện nay không khó bắt gặp rất nhiều khẩu hiệu khác nhau, trường mẫu giáo thì "trường là nhà, cô giáo là mẹ", trường trung học thì "Học, học nữa, học mãi"… nhưng trong hàng chục khẩu hiệu Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thì chưa có khẩu hiệu nào được gọi là triết lý giáo dục Việt Nam.

Singapore có một triết lý ngắn gọn "quốc gia học tập", tại Hà Lan, triết lý này được đúc kết trong câu "học tập vì tương lai", ở Nhật Bản, khẩu hiệu là "mỗi cá nhân hoàn thiện đạo đức", nhưng dự Luật Giáo dục sửa đổi chưa thấy điểm nào có thể tổng kết thành triết lý giáo dục Việt Nam, ông Nhân so sánh.

Nhấn mạnh vấn đề đổi mới giáo dục đã đặt ra suốt 20 năm qua, nhưng ông Nhân nêu thực tế, không hiếm trường hợp sinh viên ra trường không viết nổi một văn bản, nhiều doanh nghiệp phải đào tạo bổ sung nếu tuyển dụng sinh viên đã tốt nghiệp vào làm việc. Tình trạng nhà trường chưa dành nhiều thời gian đào tạo kỹ năng mềm và tính thiếu chủ động của người học đã tạo ra những sản phẩm giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và xã hội.

Đại biểu Trọng Nhân cũng nhìn nhận, việc cắp sách đến trường chỉ mới dừng lại ở nghĩa vụ mà chưa phải là một niềm vui, niềm khao khát được hướng dẫn để tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại. Một trong những mục tiêu của giáo dục là để hội nhập quốc tế, nhưng luật và nghị định không có bất kỳ điều khoản nào quy định ngoại ngữ là một công cụ bắt buộc, hình thành nền tảng cơ bản nhất cho hội nhập.

"Trẻ em Việt Nam được học Tiếng Anh từ rất sớm, nhưng rất nhiều trường hợp không thể sử dụng Tiếng Anh sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Sứ mệnh hội nhập quốc tế sẽ được thực hiện như thế nào khi điểm trung bình tiếng Anh 3 năm vừa qua của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia không vượt qua nổi con số 5",  ông Nhân nói.

Cho rằng bốn trụ cột trong mục tiêu, triết lý giáo dục của dự thảo luật có nhiều điểm hay nhưng ông Nhân chỉ ra toàn bộ các điều khoản sau đó không xoay quanh bốn trụ cột này mà hầu như chỉ tập trung giải quyết các sự vụ, sự việc. Đây phải chăng là nguyên nhân của tình trạng quốc gia mình chưa có một nền giáo dục như mong muốn? đại biểu đặt vấn đề.

"Để đáp ứng bối cảnh mới, với sự thay đổi chóng mặt của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thì một trong những phương pháp giáo dục phải là khai phóng, hướng đến từng người học, giúp các em chủ động trong nhận thức, độc lập trong tư duy sáng tạo, để có thể tự kết nối, tự kiểm soát và thích ứng với những thay đổi của thế giới hiện nay", đại biểu bày tỏ quan điểm.

Ông Nhân cho rằng, để đạt được yêu cầu này, sứ mệnh của giáo dục là phải phá bỏ tư duy, thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức trong dạy và học bấy lâu. Theo đó, những gì là tinh hoa của nhân loại, dân tộc và thời đại cần phải được chắt lọc để hướng dẫn thế hệ trẻ. Muốn đất nước sánh vai với các cường quốc thì ít nhất phải tạo được nền tảng vững chắc từ đạo luật này.

 "Chất liệu chính của một triết lý giáo dục chỉ có thể là sự hướng thiện con người đi cùng với những ưu tư, trăn trở của mình về trách nhiệm trước vận mệnh thịnh suy của đất nước. Một nền giáo dục triết lý như thiếu ngọn hải đăng dẫn đường. Thiếu triết lý giáo dục cũng đồng thời làm cho đất nước thiếu đi một bộ phận cấu thành của triết lý phát triển", vị đại biểu Bình Dương tâm tư.

Cũng đề cập triết lý giáo dục, đại biểu Cao Đình Thưởng (Thái Bình) phân tích, chất lượng dạy học hiện chưa cao, rất chậm đổi mới, tư duy giáo dục vẫn nặng về dạy chữ, dạy kiến thức hàn lâm mà coi nhẹ việc dạy - học kỹ năng, học đạo đức, học nghề.

Điều đó làm cho việc học tập trở thành áp lực quá lớn khiến một bộ phận trẻ em kinh sợ đến trường. Điều đó cũng dẫn tới sai lầm của nhiều phụ huynh, muốn con mình thành con người ta, phải giỏi, giỏi một cách quá sức… Thi cử, theo đó, cũng trở thành áp lực quá lớn và bị hiểu một cách sai lệch. Việc học từ mục đích để làm người , để làm việc thành ra học để thi mà thi để làm gì thì không mấy ai xác định được rõ ràng, ông Thưởng nói.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top