Ngay cả những khâu bắt buộc tiền kiểm thì Chính phủ cũng chủ trương quy định rõ ràng trách nhiệm, thẩm quyền, chứ không phải tiền kiểm là cứ tạo điều kiện để ôm hồ sơ, ngâm hồ sơ, nhũng nhiễu làm chậm trễ quá trình này.

Đó là giải trình của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cuối phiên thảo luận ở hội trường chiều 16/11 của Quốc hội về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Trước đó, các ý kiến đại biểu đã chỉ ra rất nhiều bất cập của dự thảo luật.

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) nhận xét dự thảo luật chưa thực sự giải quyết được vấn đề thủ tục phức tạp trong đầu tư công hiện nay. Thậm chí một số quy trình, thủ tục còn phức tạp hơn như quy trình xử lý nguồn vốn ODA, các báo cáo về kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm.

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thì đánh giá tác động của chính sách sửa đổi, bổ sung trong hồ sơ dự án luật chưa kỹ lưỡng, chưa công bằng. Báo cáo tác động cho rằng 17 trên 18 nhóm chính sách cần sửa đổi đều chỉ có mặt tiêu cực, không có mặt tích cực, còn những nội dung thay thế 17 chính sách đó chỉ có mặt tích cực, không có mặt tiêu cực; trong khi mỗi chính sách đó đều có mặt tích cực, có mặt tiêu cực. Quan trọng là lựa chọn chính sách có mặt tích cực nổi trội, ít tiêu cực và cũng cần nhận diện các mặt tiêu cực để có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nói, Luật Đầu tư công là văn bản pháp lý quan trọng có liên quan trực tiếp, tác động đến nguồn lực ngân sách, an ninh tài chính quốc gia. Tuy nhiên, đây cũng là một trong số những đạo luật có đời sống ngắn nhất bởi vừa áp dụng được 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Luật Đầu tư công sau 3 năm thực hiện đã tạo ra bước chuyển biến căn bản trong tái cơ cấu đầu tư công, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, đặt biệt là nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Cái được của Luật Đầu tư công hết sức lớn, đồng thời, trong quá trình tổ chức thực hiện thì có những vướng mắc và yếu kém về tổ chức thực hiện, cũng có những vướng mắc về quy định của pháp luật, Phó thủ tướng nêu sự cần thiết sửa luật.

Về quan điểm sửa đổi, ông Huệ nhấn mạnh yêu cầu phải thể chế hóa cho được các chủ trương, đường lối của Đảng, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư công, đảm bảo gắn tái cơ cấu đầu tư công với  tái cơ cấu về thu, chi ngân sách. Phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ quan có liên quan đặc biệt đối với địa phương và các bộ, ngành, cố gắng đơn giản nhất các thủ tục, không làm phát sinh những thủ tục mới.

Với những quy định được đại biểu cho rằng còn phức tạp hơn luật hiện hành, Phó thủ tướng cho biết sẽ rà soát lại rất kỹ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương về ngân sách, tăng cường công tác hậu kiểm, đảm bảo công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm. 

"Ngay cả những khâu bắt buộc tiền kiểm thì Chính phủ cũng chủ trương quy định rõ ràng trách nhiệm thẩm quyền của từng cấp thế nào và thời hạn để thực hiện, chứ không phải tiền kiểm là cứ tạo điều kiện để ôm hồ sơ, ngâm hồ sơ, nhũng nhiễu làm chậm trễ quá trình này", Phó thủ tướng nói.

Liên quan đến nhận xét của đại biểu Hàm, ông Huệ cho biết sẽ tiếp thu, Chính phủ sẽ chỉ đạo, rà soát, đánh giá kỹ một cách công bằng cả những mặt tích cực và tiêu cực trong 18 nhóm chính sách. Cân nhắc để lựa chọn kỹ lưỡng những nội hàm, nội dung cần phải sửa đổi, có lý lẽ và có cơ sở thuyết phục để trình với Quốc hội trong kỳ họp lần sau.

"Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo rà soát để quy định cụ thể, rõ ràng hơn chế độ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong từng khâu của quá trình thực hiện các dự án đầu tư công. Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát các điều khoản để tiếp cận thông lệ quốc tế tốt nhất đối với đầu tư công. Đặc biệt nghiên cứu để xây dựng các tiêu chí, lựa chọn các dự án đầu tư hay việc đánh giá hiệu quả đầu tư", Phó thủ tướng phát biểu.

Về tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, có đại biểu cho rằng nâng từ 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng là không hợp lý, ông Huệ nhấn mạnh vấn đề ở đây là tổng mức đầu tư chứ không phải là vốn nhà nước nằm trong dự án này.

Phó thủ tướng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu vấn đề này, tiêu chí thế nào, cụ thể là bao nhiêu để có một căn cứ thuyết phục báo cáo với Quốc hội.

Tổng mức của từng dự án Quốc hội quyết định là bao nhiêu, trong đó vốn của nhà nước là bao nhiêu để cho Quốc hội xem xét là quyết định đảm bảo thể hiện được thẩm quyền của Quốc hội vừa linh động trong quá trình tổ chức thực hiện. Còn những dự án trên 10.000 tỷ của các địa phương có một phần vốn nhà nước bây giờ cũng ngày càng nhiều lên, ông Huệ trình bày.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top