Chiều 12/11 Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, gọi tắt là Hiệp định CPTPP).
Nghị quyết nêu rõ, áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định CPTPP, trong đó áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định CPTPP tại phụ lục 2.
Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại.
Đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP. Thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.
Báo cáo giải trình trước khi Quốc hội bấm nút, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết có hai ý kiến đại biểu cho rằng cần trưng cầu ý dân về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình: căn cứ Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, việc trưng cầu ý dân chỉ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định.
Ý kiến đề nghị tiếp tục xây dựng Luật Hành chính công của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng được hồi âm.
Theo đó, dự án này đã được Quốc hội nhất trí cho rút ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 6. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong quá trình thực hiện Hiệp định, cần chú ý đến việc cải cách thủ tục hành chính để bảo đảm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về vấn đề cho phép thành lập tổ chức của người lao động, bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời có biện pháp ứng phó thách thức đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong tình hình mới khi có sự xuất hiện các tổ chức của người lao động khác.
Nhận thấy các ý kiến của các vị đại biểu là xác đáng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dẫn báo cáo của Chính phủ, cho biết Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.
Các quốc gia thành viên CPTPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi, trong đó có việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại, phải đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ, mục đích và điều lệ hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể tạo ra một số thách thức đồng thời cũng là cơ hội, động lực cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động công đoàn trong điều kiện mới của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, báo cáo giải trình nêu rõ.
PHỤ LỤC 2
Các cam kết/nhóm cam kết trong Hiệp định CPTPP được áp dụng trực tiếp khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam
STT |
Nội dung Hiệp định CPTPP được áp dụng trực tiếp |
Thời điểm thực hiện |
1 |
Biểu thuế tại Phụ lục Chương 2 Hiệp định CPTPP. |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
2 |
Điều 1.3. Mục B Chương I. Khái niệm "Doanh nghiệp nhà nước (state enterprise) là doanh nghiệp được sở hữu, hoặc được điều hành thông qua phần quyền sở hữu, bởi một Bên" để thực hiện nghĩa vụ tại Chương 17 Hiệp định CPTPP về Doanh nghiệp nhà nước. |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
3 |
Điều 1.3. Mục B Chương I. Khái niệm " hàng tân trang" là hàng hóa được nằm trong mã HS từ Chương 84 đến Chương 90 hoặc thuộc phân nhóm 94.02, ngoại trừ các hàng hóa thuộc HS nhóm 84.18, 85.09, 85.10, và 85.16, 87.03 hoặc phân nhóm 8414.51, 8450.11, 8450.12, 8508.11, và 8517.11, mà được cấu thành toàn bộ hoặc từng phần từ các nguyên liệu tái chế và: (a) có thời hạn sử dụng tương tự và có hình thức tương tự như hàng hóa mới; và (b) có điều kiện bảo hành tương tự với hàng hóa mới. |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
4 |
Điều 2.21. Chương 2 về Trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp. Không ban hành hoặc duy trì trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản trừ các biện pháp được nêu tại Điều 10 Hiệp định nông nghiệp WTO. |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
5 |
Điều 2.26 Chương 2 về Phòng vệ nông nghiệp. Hàng nông nghiệp có xuất xứ từ một Bên sẽ không chịu thuế quan áp dụng đối với trợ cấp đặc biệt theo Hiệp định WTO về Nông nghiệp. |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
6 |
Điều 3.10 Chương 3 về Cộng gộp. Cho phép cộng gộp toàn phần, được hiểu là cộng gộp phần giá trị gia tăng của sản xuất bất kỳ trên nguyên vật liệu không có xuất xứ vào trị giá có xuất xứ của thành phẩm. |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
7 |
Điểm a khoản 1 Điều 3.23 Chương 3 về miễn giấy chứng nhận xuất xứ. Không yêu cầu giấy chứng nhận xuất xứ nếu giá trị hải quan nhập khẩu không vượt quá 1000 Đô la Mỹ hoặc số tiền tương đương bằng đồng tiền của Bên nhập khẩu hoặc một số tiền lớn hơn do Bên nhập khẩu quy định. |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
8 |
Khoản 12 Điều 7.13 Chương 7 về Minh bạch hóa. Yêu cầu các biện pháp SPS có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày công bố trừ các biện pháp áp dụng đối với vấn đề khẩn cấp hoặc biện pháp có mục đích làm thuận lợi thương mại. |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
9 |
Điều 7.14 Chương 7 về Biện pháp Khẩn cấp. Trường hợp thông qua và áp dụng biện pháp khẩn cấp, trong vòng 6 tháng phải tiến hành đánh giá cơ sở khoa học của biện pháp đó và công bố kết quả đánh giá cho các Nước thành viên khác có yêu cầu. |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
10 |
Điều 7.16 Chương 7 về trao đổi thông tin. Các bên phối hợp trong việc trao đổi thông tin liên quan đến SPS. |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
11 |
Phần B Chương 9 về giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Quy trình, thủ tục khởi kiện và giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư của Nước thành viên khác. |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
12 |
Khoản 2 đến khoản 9 Điều 7.8 Chương 7 về Tương đương. "2. Dựa trên yêu cầu của Bên xuất khẩu, Bên nhập khẩu phải giải thích mục tiêu và lý do về biện pháp SPS của họ và xác định rõ rủi ro mà biện pháp SPS định giải quyết. 3. Khi bên nhập khẩu nhận được yêu cầu về đánh giá tương đương và xác nhận các thông tin do Bên xuất khẩu cung cấp là đầy đủ, Bên nhập khẩu phải bắt đầu tiến hành đánh giá tương đương trong một khoảng thời gian thích hợp. 4. Khi bên nhập khẩu bắt đầu đánh giá tương đương, thì Bên đó ngay lập tức, theo yêu cầu của Bên xuất khẩu giải thích quá trình đánh giá tương tương của mình và kế hoạch cho quyết định công nhận tương đương. Nếu kết quả đánh giá là công nhận tương đương thì có thể và cho phép thông thương. 5. Trong quyết định tương đương với một biện pháp SPS, Bên nhập khẩu phải tính đến các kiến thức và thông tin có sẵn, các kinh nghiệm liên quan cũng như thẩm quyền quản lý của Bên xuất khẩu. 6. Bên nhập khẩu phải công nhận một biện pháp SPS là tương đương, nếu Bên xuất khẩu minh chứng mục tiêu cho Bên nhập khẩu là biện pháp của Bên xuất khẩu: a. Đạt được mức độ bảo vệ tương tự như của Bên nhập khẩu; hoặc; b. Có cùng hiệu quả trong việc đạt được mục tiêu như biện pháp của Bên nhập khẩu. 7. Khi Bên nhập khẩu thông qua một biện pháp là công nhận tương đương với một biện pháp cụ thể, một số biện pháp hoặc các biện pháp trên của toàn hệ thống của Bên xuất khẩu, Bên nhập khẩu phải thông tin về biện pháp mà họ đã thông qua cho Bên xuất khẩu bằng văn bản và triển khai biện pháp đó trong một khoảng thời gian hợp lý. 8. Các Bên tham trong một quyết định đánh giá tương đương mà kết quả là việc công nhận lẫn nhau được khuyến khích, khi có sự đồng thuận báo cáo kết quả lên Ủy ban. 9. Nếu một quyết định đánh giá tương đương không đạt được kết quả công nhận của Bên nhập khẩu, thì Bên nhập khẩu phải cung cấp cho Bên xuất khẩu lý do cho quyết định của mình". |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
13 |
Điều 1.1 Chương 11 về Dịch vụ tài chính. Khái niệm "tổ chức tài chính của một bên khác" là một tổ chức tài chính, kể cả chi nhánh, hiện diện trên lãnh thổ của Bên tham gia Hiệp định và được kiểm soát bởi thể nhân của Bên ký kết kia. Khái niệm "dịch vụ tài chính mới" là một loại hình dịch vụ tài chính không được cung cấp trên lãnh thổ của Bên tham gia Hiệp định nhưng lại được cung cấp trong phạm vi lãnh thổ của Bên khác, đồng thời bao gồm bất kỳ hình thức thực hiện dịch vụ tài chính hoặc kinh doanh sản phẩm tài chính mà không được kinh doanh trên lãnh thổ của Bên đó. |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
14 |
Các phân ngành dịch vụ trong bảng NCM I và II và III Hiệp định CPTPP. |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
15 |
Điều 7.15 Chương 7 về Hợp tác. Các bên tìm hiểu cơ hội hợp tác hơn nữa về các vấn đề SPS cùng quan tâm như các sáng kiến thuận lợi thương mại và hỗ trợ kỹ thuật; loại bỏ những trở ngại không cần thiết trong thương mại giữa các Bên. |
Khi Hiệp định có hiệu lực |
Post a Comment