Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam trình Quốc hội thông qua đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ hơn về quyền nổ súng của cảnh sát biển.
Chiều 19/11 Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam với đa số đại biểu có mặt tán thành.
Gồm 8 chương 41 điều, luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.
Theo luật này, cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi biểu quyết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết qua thảo luận có ý kiến đề nghị làm rõ hơn về vị trí, chức năng của cảnh sát biển Việt Nam trong tương quan với bộ đội biên phòng và hải quân trên cơ sở nghị quyết Trung ương 8 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quy định về vị trí, chức năng của cảnh sát biển Việt Nam trong dự thảo luật đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng có liên quan tới lực lượng này, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hiện hành và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, hải quân là nòng cốt, trong bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, bộ đội biên phòng là nòng cốt; trong thực thi pháp luật trên biển, cảnh sát biển là nòng cốt.
Mỗi lực lượng đều được pháp luật quy định nhiệm vụ, chức năng cụ thể phù hợp với vị trí, vai trò của mình, đồng thời có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và quy định về việc phối hợp hoạt động, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân tích.
Về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có ý kiến đề nghị thay cụm từ "khi có căn cứ cho rằng" bằng cụm từ "khi phát hiện tàu thuyền" tại các điểm b, c, d khoản 2 điều 14 để cụ thể, rõ ràng hơn.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, chỉnh lý lại điều này. Theo đó, thay cụm từ "khi có căn cứ cho rằng" bằng cụm từ "khi biết rõ" tại điểm b, điểm c và bỏ cụm từ "có căn cứ cho rằng" tại điểm d để thống nhất với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Điều 14. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
1. Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
2. Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được nổ súng vào tàu thuyền trên biển, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
b) Khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn;
c) Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma tuý, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;
d) Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật hình sự cố tình chạy trốn.
3. Trường hợp nổ súng theo quy định tại khoản 2 Điều này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.
Post a Comment