Hiện nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau rất lớn về 2 nội dung liên quan đến việc sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng và Luật Đất đai, đề nghị Chính phủ cần có văn bản giải trình, làm rõ thêm 2 nội dung này.
Đó là lưu ý từ Phó chù tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khi gói lại phiên thảo luận chiều 2/11 của Quốc hội về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Theo đại biểu Phùng Văn Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra dự án luật) thì trong số các luật được sửa đổi, duy có 2 luật gồm Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị thuộc lĩnh vực xây dựng là chưa thu hẹp được sự khác biệt giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra mặc dù đã được hai bên thảo luận nhiều lần kể từ kỳ họp thứ 5.
Không thể cách mạng nửa vời
Liên quan đến việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dưng, ý kiến khác nhau tập trung ở sự cần thiết của quy hoạch xây dựng tỉnh.
Đại biểu Hùng cho biết, nhiều ý kiến cho rằng sau khi ban hành Luật Quy hoạch thì quy hoạch xây dựng tỉnh không còn cần thiết nữa. Về nội hàm quy hoạch xây dựng tỉnh trong dự thảo luật là quy hoạch được đổi tên từ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh trong Luật Xây dựng hiện hành và tương đương với quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch.
Quan điểm của đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) được thể hiện ngay sau đó là nên để quy hoạch xây dựng tỉnh như là một quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành riêng để chi tiết hóa những nội dung phát triển không gian của quy hoạch tỉnh.
Một số vị khác cũng cho rằng nên giữ quy hoạch xây dựng tỉnh và quy định cụ thể và mang tính chất kỹ thuật hơn.
Nhưng các ý kiến băn khoăn và cho rằng không cần có loại quy hoạch này chiếm đa số.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua là một cuộc cách mạng lớn, là một điểm sáng trong hoạt động quy hoạch.
"Nhưng nếu luật này tiếp tục để tồn tại quy hoạch xây dựng tỉnh thì đó là một cuộc cách mạng nửa vời, một điểm tối, không những không khắc phục được tình trạng trùng lặp chồng chéo bắt buộc các địa phương phải làm thêm nhiều việc vô bổ gây lãng phí rất lớn mà chúng ta còn dung túng cho việc cố tình không chịu buông bỏ quyền lực, quyền lợi của một nhóm lợi ích muốn tiếp tục duy trì cơ chế xin cho thực hiện với hành vi, cấp trên hành cấp dưới, hành nhân dân và hành doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước", ông Sinh nhấn mạnh.
Đại diện ban soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau một thời gian làm việc với cơ quan chủ trì về vấn đề này, tức là Bộ Xây dựng, ban soạn thảo thấy quy hoạch tỉnh đã có để tích hợp tất cả các loại vào, nhưng còn ở mức độ rất chung, phân bố về mặt không gian, các khu chức năng hay phát triển kinh tế - xã hội. Còn xây dựng tỉnh thì phải ở một mức độ chi tiết hơn để cụ thể hóa, làm công cụ quản lý trong ngành xây dựng đối với quy hoạch ngành.
"Chúng tôi cho rằng nó là một quy hoạch chuyên ngành để cụ thể hóa quy hoạch xây dựng tỉnh ở mức độ chi tiết hơn. Các đại biểu nêu có rất nhiều lý lẽ, tôi cho rất xác đáng, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và xin ý kiến lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lãnh đạo, chỉ đạo thêm về nội dung này", Bộ truởng phát biểu.
Lo mâu thuẫn quy định đất đai
Nội dung cũng còn nhiều băn khoăn là sửa một số quy định của Luật Đất đai.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, đại biểu Trần Thị Dung phân tích, Luật Đất đai hiện hành về nội dung quy hoạch, sử dụng đất cấp tỉnh, định hướng sử dụng đất là 10 năm nhưng khi sửa đổi thành phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh, Điều 39 Luật Đất đai được dự kiến sửa đổi, bổ sung thì định hướng sử dụng đất lại là 20 năm.
Trong khi đó, tại khoản 2 điều 8 Luật Quy hoạch quy định thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm.
Khoản 4 điều 6 dự thảo luật sửa đổi điều 38 Luật Đất đai cũng không xác định về thời hạn, định hướng sử dụng đất quốc gia là bao nhiêu năm mà chỉ yêu cầu xác định diện tích các loại đất trong kỳ kế hoạch sử dụng đất là 5 năm.
Do đó, việc xác định, định hướng sử dụng đất cấp tỉnh 20 năm là mâu thuẫn, bà Dung nhấn mạnh.
Đề cập những ý kiến khác nhau về cần phải có những phương án quy hoạch đất đai trong quy hoạch tỉnh hay không, đại biểu Hoàng Văn Cường nói, quy hoạch chính là việc phân bổ và lựa chọn các phương án sử dụng các nguồn lực cho các mục tiêu phát triển. Trong các nguồn lực của đất nước, nguồn lực đất đai là nguồn lực rất cơ bản và hữu hạn, vì vậy luôn phải chú trọng, quản lý, phân bổ và sử dụng một cách tiết kiệm và có hiệu quả nhất.
Do vậy, trong tất cả các phương án quy hoạch từ cấp quốc gia cho đến cấp tỉnh thì không thể không có nội dung về quy hoạch sử dụng đất như một cách lựa chọn các phương án sử dụng nguồn lực đất đai này phục vụ cho các mục tiêu phát triển. Nếu chúng ta không có phương án quy hoạch đất đai cấp tỉnh thì rõ ràng chúng ta không có căn cứ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh được giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân tỉnh các cấp, ông Cường phân tích.
Đề nghị Chính phủ cần có văn bản giải trình, làm rõ thêm hai nội dung liên quan đến việc sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng và Luật Đất đai, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết Quốc hội sẽ thảo luận vòng hai vào chiều ngày 9/11/2018 trước khi xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Post a Comment