Thời bình có cần nhiều tướng thế không là băn khoăn của đại biểu Phạm Văn Hoà, người phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), chiều 6/11 tại Quốc hội.
Đã được chỉnh lý với quy định cụ thể hơn so với dự thảo luật ở kỳ họp trước song quy định về cấp bậc hàm cấp tướng vẫn khiến nhiều vị đại biểu băn khoăn.
Với vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng, điều 25 quy định Bộ trưởng Bộ Công an là đại tướng, thượng tướng không quá 6, trung tướng không quá 35, thiếu tướng cũng được quy định cụ thể, trong đó giám đốc công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1.
Tuy nhiên, số lượng này theo đại biểu Hoà vẫn là nhiều.
Một số nước bộ trưởng công an chỉ là dân sự, ở nước ta Bộ trưởng có cấp hàm là điều không bàn cãi nhưng có cần nhiều tướng thế không, cấp tướng cần có quân số nhất định, số lượng trung tướng như thế là nhiều, đại biểu Hoà nói.
Số lượng thiếu tướng không quá 11 với giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 (trừ Hà Nội và Tp.HCM) theo đại biểu Hoà là bất cập.
Cùng là giám đốc công an tỉnh, thành như nhau mà người tướng người tá thì cần cân nhắc, ông Hoà góp ý.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng lấy tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 để quy định cấp bậc hàm thiếu tướng là chưa sát chức năng nhiệm vụ của lực lượng công an.
Theo đại biểu Thưởng thì xác định loại 1 loại 2, loại 3 chỉ có tính chất tương đối, đôi khi chưa hẳn số 1 về kinh tế là số 1 an ninh trật tự.
Ông Thưởng đề nghị với các tỉnh có vị trí chiến lược, phức tạp về an ninh trật tự thì giám đốc công an cần có bậc hàm cao nhất là thiếu tướng.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) lo ngại có thể sẽ có cuộc đua lên đô thị loại 1 để lên tướng.
Nếu quy định cứng là 11 sẽ phải sửa luật khi thành phố loại 1 tăng lên, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) góp ý.
Cũng tại điều 25, quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng theo một số đại biểu là chưa phù hợp với Hiến pháp, vì đây là quyền của Quốc hội.
Theo đại biểu Ngô Trung Thành thì việc quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng nên giao cho Chính phủ.
Về số lượng hàm cấp tướng, đánh giá cao cách quy định số lượng tối đa hàm đại tướng, thượng tướng, trung tướng, thiếu tướng song đại biểu Thành lại băn khoăn về quy định tại khoản 2 điều 25.
Khoản này quy định: sỹ quan công an nhân dân biệt phái là Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ tổng cục trưởng hoặc tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng; sĩ quan công an nhân dân biệt phái là phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ thứ trưởng hoặc tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng; sĩ quan công an nhân dân biệt phái có chức vụ cao hơn được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Quy định như vậy, theo đại biểu Thành là không rõ ràng về số lượng, trong khi nhiều ý kiến đang băn khoăn là có quá nhiều tướng.
Bên cạnh góp ý cho trần quân hàm của công an, một số vị đại biểu cũng đề cập sự thống nhất và tương đương với quy định về sĩ quan cấp tướng trong Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cùng là lực lượng vũ trang bên tướng bên tá, không công bằng thấy tủi thân lắm, buồn lắm, đề nghị Quốc hội suy nghĩ, đại biểu Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam phát biểu.
Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) đề nghị tới đây khi sửa Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam cần quy định chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng là thiếu tướng để cho tương đồng với lực lượng công an.
Post a Comment