Như vậy, Việt Nam là nước thứ bảy trong số 11 nước phê chuẩn hiệp định thương mại khu vực Vành đai Thái Bình Dương sẽ có hiệu lực vào ngày 30/12/2018. Canada, Úc, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore trước đó đã phê chuẩn hiệp định này.
Bình luận về vấn đề này, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho biết, CPTPP đặt ra những yêu cầu cụ thể về quyền lao động và điều kiện làm việc nhằm đảm bảo tự do thương mại đóng góp cho sự phát triển bền vững, giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích về kinh tế một cách công bằng.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về Các nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ. Các quyền này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản (Công ước số 87, 98 và 105) liên quan đến quyền tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Cũng theo ILO, Chương 19 về lao động của CPTTP được xây dựng dựa trên Tuyên bố năm 1998 của ILO. Chương này quy định mối liên hệ giữa việc thực hiện Tuyên bố với các điều kiện về thương mại trong một khuôn khổ thời gian nhất định, thông qua văn kiện song phương bên lề.
Những cơ chế thực hiện dự kiến trong hiệp định bao gồm các hoạt động hợp tác, kêu gọi sự tham gia của đại diện doanh nghiệp và đại diện các tổ chức của người lao động cũng như các tổ chức quốc tế như ILO, để củng cố các thể chế thị trường lao động, tạo nền tảng cải thiện đối thoại xã hội (đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động) và tuân thủ Tuyên bố năm 1998.
Hiện 1/3 các hiệp định thương mại khu vực trên thế giới bao gồm các điều khoản về lao động như vậy. Nghiên cứu của ILO cho thấy chúng có những tác động quan trọng giúp cải thiện bình đẳng giới, đặc biệt là tăng khả năng tiếp cận thị trường lao động của phụ nữ và thu hẹp khoảng cách về tiền lương theo giới trong một số trường hợp nhất định.
Thêm vào đó, không có bằng chứng nào cho thấy những điều khoản về lao động như vậy làm thay đổi hay suy giảm dòng chảy thương mại hay được sử dụng cho mục đích bảo hộ.
Thậm chí, nghiên cứu của ILO chỉ ra rằng hiệp định thương mại có điều khoản về lao động giúp tăng trung bình giá trị thương mại thêm 28%, trong khi những hiệp định không có điều khoản về lao động chỉ giúp tăng trung bình 26%.
Theo TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam: "Đây thực sự là một cơ hội để Việt Nam hiện đại hóa pháp luật về lao động, hệ thống quan hệ lao động và nhu cầu thực hiện công cuộc cải cách đó trước hết xuất phát từ bối cảnh trong nước".
Mặc dù pháp luật lao động và khung khổ quan hệ lao động liên tục được cải thiện, vẫn còn tồn tại một số bất cập. Đã có hơn 6.000 cuộc đình công diễn ra kể từ giữa thập niên 90 và tất cả đều là đình công tự phát, không do công đoàn khởi xướng. Điều này cho thấy người lao động không cảm thấy quyền và các mối quan tâm của họ được giải quyết và quy trình giải quyết thì không vận hành một cách hiệu quả.
Tại Việt Nam, nhiều lãnh đạo công đoàn cơ sở chính là quản lý cấp cao của doanh nghiệp. Đây là điều không thể chấp nhận ở hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay.
"Quyền công đoàn là quyền của người lao động", người đứng đầu ILO Việt Nam nhấn mạnh.
Trong những năm tới đây khi CPTTP có hiệu lực, người lao động sẽ được phép thành lập hay gia nhập các tổ chức do họ tự lựa chọn ở cấp cơ sở, và những tổ chức đó có thể thuộc hoặc không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP – hiệp định đối tác giữa 11 nước thành viên với một thị trường rộng lớn gồm 500 triệu người – được kỳ vọng sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 1,32% đến năm 2035.
Post a Comment