Nhiều câu hỏi liên quan đến dịch vụ chuyển mạng giữ số (MNP) đã được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông giải đáp cặn kẽ tại buổi họp báo về triển khai dịch vụ MNP, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, chiều 13/11/2018.

Vì sao chưa áp dụng với thuê bao trả trước?

Theo Cục Viễn thông, kế hoạch triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số sẽ được cung cấp trên phạm vi toàn quốc, theo đó, các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone sẽ triển khai cho các thuê bao trả sau từ ngày 16/11/2018.

Cục Viễn thông cho biết, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai trong bối cảnh các doanh nghiệp di động đang cung cấp dịch vụ cho trên 120 triệu thuê bao nên phải thực hiện từng bước chắc chắn để không có tác động tiêu cực đến hoạt động của toàn bộ mạng viễn thông.

Chính vì thế, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp di động đã thống nhất sẽ triển khai dịch vụ đối với các thuê bao trả sau, chiếm khoảng 5%, để đánh giá tác động của dịch vụ đối với thị trường, kịp thời có các biện pháp để loại bỏ tác động tiêu cực nếu có trước khi triển khai trên diện rộng.

Thay vì sau ba tháng triển khai MNP cho thuê bao trả trước thì sẽ áp dụng cho trả sau, tại cuộc họp báo trên, Cục Viễn thông cho biết, từ ngày 1/1/2019, các doanh nghiệp Viettel, VinaPhone, MobiFone và Vietnammobile sẽ đồng loạt cung cấp dịch vụ chuyển mạng cho cả thuê bao di động trả trước và trả sau.

Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường viễn thông, doanh nghiệp viễn thông, thuê bao di động và đáp ứng mục tiêu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

"Khách hàng muốn chuyển đến nhà mạng nào thì chỉ cần đến làm việc với nhà mạng đó để làm việc miễn là đã thanh toán đầy đủ cho nhà mạng sử dụng trước đó", Thứ trưởng Hải cho biết.

Phí chuyển mạng: 60 nghìn đồng

Theo quy định, giao dịch chuyển mạng giữ số thực hiện trong vòng 2 ngày đối với thuê bao cá nhân và 3 ngày với tổ chức, kể từ khi chủ thuê bao đến điểm giao dịch của nhà mạng chuyển đến để làm thủ tục. Thời gian gián đoạn dịch vụ trong quá trình chuyển đổi tối đa là một giờ. Dù vậy, theo lãnh đạo Cục Viễn thông thực tế tình trạng gián đoạn chỉ diễn ra trong vài giây.

Ngoài ra, thuê bao kể từ khi chuyển đổi sang dịch vụ của một nhà mạng mới sẽ chỉ có thể tiếp tục đổi sang dùng dịch vụ của doanh nghiệp khác sau 90 ngày. Các vấn đề về quy trình, quy định, theo lãnh đạo Cục Viễn thông sẽ được áp dụng theo Thông tư 35/2017 do Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành.

Về phí chuyển mạng - là cước chuyển mạng, dịch vụ này được coi là dịch vụ cộng thêm, dịch vụ gia tăng nên mức cước chuyển mạng sẽ do các doanh nghiệp chủ động ban hành.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, trong quá trình triển khai Bộ đã nhiều lần họp với các nhà mạng và Bộ định hướng cho các nhà mạng tối đa là 60.000 đồng một lần chuyển. Mức cước này bao gồm tất cả các khoản phí chuyển đổi và SIM chuyển sang nhà mạng mới, người sử dụng không phải trả thêm bất kỳ một khoản tiền nào khác. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hải, đây là định hướng của Bộ và các nhà mạng sẽ ban hành giá cước cụ thể.

Tại cuộc họp báo, đại diện hai nhà mạng Viettel và MobiFone cho biết doanh nghiệp đã chốt mức giá chuyển mạng là 60 nghìn như định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong khi đó, VinaPhone cho hay sẽ công bố mức cước chính thức của nhà mạng này vào ngày 15/11 cũng trên cơ sở định hướng của Bộ và dự kiến sẽ không cao hơn 60.000 đồng.

Theo các nhà mạng, với mức phí trên, người dùng chuyển mạng gần như không mất một khoản phí nào, mức cước này bao gồm cả SIM mới được cung cấp.

"Mục đích chính của chuyển mạng không phải để thu hút thuê bao mà mà là cơ hội, động lực cho doanh nghiệp di động tăng cường năng lực cạnh tranh bằng việc nhà mạng phải tự nâng cao chất lượng, đầu tư hạ tầng, chăm sóc khác hàng, để khách hàng hài lòng hơn" đại diện nhiều nhà mạng nhìn nhận.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top