Năm 2019 được xác định là năm bứt phá, phương châm hành động của Chính phủ là "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả".

Đó là thông tin được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại hội nghị triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2019, sáng 28/12.

4 trọng tâm điều hành

Trình bày dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch 2019, Phó thủ tướng cho biết năm 2019 Chính phủ đề ra 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Một là, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Củng cố nền tảng vĩ mô, duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng. Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với;  đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Hai là, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ. Chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.

Ba là, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; gắn với  xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Bốn là, chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

5.945 nhiệm vụ

Bám sát 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành, dự thảo nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 5.945 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể, Phó thủ tướng cho biết.

Nhóm giải pháp đầu tiên là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trọng tâm của giải pháp này là điều hành thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các chính sách vĩ mô, nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; phấn đấu giảm lãi suất cho vay; nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, tăngcủng cố dự trữ ngoại hối..

Cũng nằm trong nhóm giải pháp lớn này là cơ cấu lại và siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản công. Giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay.

Cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thuế; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Cân đối nguồn lực để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo nghị quyết Trung ương.

Xây dựng, trình Bộ Chính trị đề án và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.

Bám sát diễn biến tình hình, điều hành hiệu quả để bảo đảm các cân đối lớn, nhất là về ngân sách Nhà nước, thương mại, đầu tư, lương thực, năng lượng...

Củng cố hệ thống thông tin, báo cáo; nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo, phục vụ quản lý, điều hành; triển khai đề án thống kê khu vực GDP chưa được quan sát...

Đẩy lùi "tín dụng đen"

Dự thảo nghị quyết cũng nêu một số nhiệm vụ khác như nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, không để trở thành điểm nóng, gây mất an ninh, trật tự.

Ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương; tập trung tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.

Quyết liệt phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu "xã hội đen", tội phạm hình sự liên quan "tín dụng đen", tội phạm ma túy, cướp giật, công nghệ cao,...; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ cũng là nhiệm vụ được nêu tại dự thảo nghị quyết.

Dự thảo nghị quyết cũng nêu rõ, năm sau sẽ triển khai quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc. Tăng cường kỷ luật báo chí, bảo đảm chủ động cung cấp thông tin, nhất là tình hình kinh tế - xã hội, cơ chế, chính sách mới. Các cơ quan thông tấn báo chí thông tin trung thực, khách quan, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và tự hào dân tộc, khát vọng Việt Nam. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top