Cổ phần hoá, bán vốn nhà nước là chủ trương đúng đắn mà Chính phủ đang quyết liệt đẩy mạnh nhằm tái cơ cấu nền kinh tế. Thực tế chứng minh, cổ phần hoá, bán vốn tại loạt các doanh nghiệp nhà nước với sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài đã giúp các doanh nghiệp này kinh doanh có hiệu quả, vươn tầm khu vực như Vinamilk, Sabeco, FPT, Bảo Việt...
Tuy vậy, quá trình bán vốn, bán tài sản của Nhà nước những năm qua xảy ra vấn đề mà gần đây đã được nhà chức trách phát hiện ra dẫn đến việc thu hồi các tài sản đã bán. Chẳng hạn như vụ thu hồi 75,01% số cổ phần tại cảng Quy Nhơn mà Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành về tài sản nhà nước, bán sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng), vụ Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận) bán đất, thu hồi đất vàng trên đường Lê Duẩn (Tp.HCM)…
Nguyên nhân của các vụ việc này chủ yếu là các sai phạm của các lãnh đạo, nhà quản lý khi đương nhiệm đã thực hiện không đúng quy trình, trái thẩm quyền thậm chí có tham nhũng, tiêu cực.
Câu chuyện thu hồi tài sản nhà nước đã bán như một bức tranh muôn hình vạn trạng. Điều khiến giới kinh tế, nhà đầu tư băn khoăn nhất đó chính là tính pháp lý, cơ sở pháp lý nào để Nhà nước thu hồi tài sản đã bán cho tư nhân sau khi có kết luận sai phạm.
Doanh nghiệp bị thiệt hại có thể kiện ra toà
Luật sư Trương Thanh Đức
Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng việc thu hồi tài sản nhà nước đã bán cho tư nhân sau khi đã có kết luận sai phạm phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể và chiếu theo luật định.
Theo Luật Trương Thanh Đức, vụ bán cổ phần Cảng Quy Nhơn như kết luận thanh tra, thì: "Chưa thấy bất cứ cái sai của chủ đầu tư mà chỉ nói làm nhanh quá, không đúng thẩm quyền. Câu chuyện bán bao nhiêu % phải đặt trong bối cảnh cổ phần hoá cảng lúc bấy giờ, có khi chỉ mong bán được, bán hết. Nếu kết luận có sai phạm, thất thoát tài sản nhà nước lại là một câu chuyện khác. Một giao dịch đúng luật, đã xong 3-4 năm rồi không thể nói thu hồi là thu hồi ngay, nếu bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì sao?".
Do đó, trường hợp Nhà nước muốn thu hồi thì phải thu hồi bằng thoả thuận mua bán lại theo tiêu chí "trước bán cho tôi - giờ tôi bán lại" chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính như hiện nay được. Hai bên nhà nước và nhà đầu tư phải được đặt ngang nhau, nếu không thoả thuận được có thể đưa ra toà giải quyết trên cơ sở tuân thủ pháp luật.
Ngoài ra, ông Đức cho rằng trường hợp bán đấu giá lô đất 652 tỷ đồng ở Đà Nẵng cho công ty Vipico quá máy móc, gây thiệt hại cho doanh nghiệp; vụ bán sân vận động Chi Lăng hầu như không có cơ sở pháp lý để thu hồi lại.
Cho rằng việc thu hồi tài sản nhà nước đã bán là một câu chuyện lớn về kinh tế - đầu tư, theo luật sư Trương Thanh Đức, nếu không có căn cứ pháp lý vững vàng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đây mới là một câu chuyện lớn.
"Luật chơi không thể thích thì chơi, không thích thì thôi. Trong các trường hợp này, cơ quan quản lý phải xử lý như một bên hợp đồng, vai trò Nhà nước đốc thúc bên làm sai, nếu cán bộ công chức làm sai thì phải đền, phải thỏa thuận, phải ra toà. Nguyên tắc cao nhất phải bảo vệ sự ổn định, phát triển, hoạt động, uy tín của Nhà nước, niềm tin của nhà đầu tư", ông Đức nhấn mạnh.
Chia sẻ trên báo chí, Công ty Khoáng sản Hợp Thành - nhà đầu tư đã chi hơn 537 tỷ đồng mua 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn nói sẵn sàng trả lại nhưng việc thu hồi cũng là một bài toán phức tạp. Cập nhật đến giữa 2017, Hợp Thành đã thế chấp hơn 30 triệu cổ phần cảng Quy Nhơn cho Techcombank để vay vốn.
Kinh doanh thua lỗ, Vinalines đang vùng vẫy với hàng chục nghìn tỷ nợ nần, thu xếp được 537 tỷ trả lại cho Hợp Thành cũng cần một thời gian nữa.
Cơ sở pháp lý thu hồi tài sản trong một vụ án hình sự
Ở mức nghiêm trọng hơn, khi sai phạm trong các vụ thu hồi tài sản nhà nước đã bán dẫn đến một vụ án hình sự được khởi tố, trong một bài viết của luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, ông cho rằng khi đó, tòa án sẽ quyết định tất cả mà không cần có yêu cầu nào của các bên liên quan. Tuy nhiên, về nguyên lý, liên quan đến khía cạnh dân sự, tòa án vẫn chỉ có thể tuyên vô hiệu hay hủy bỏ hợp đồng mua bán để "thu hồi tài sản nhà nước" nếu có căn cứ rằng giao dịch giữa các bên đã "vi phạm điều cấm" hoặc chưa có hiệu lực.
Một khó khăn pháp lý cho việc đạt mục tiêu này sẽ xảy ra khi trách nhiệm hình sự, ví dụ hình phạt tù, chỉ áp dụng cho các cá nhân phía cơ quan, tổ chức nhà nước có liên quan và cho các tội danh khác nhau, trong khi bên bán tài sản nhà nước trong giao dịch lại là một tổ chức vốn có chức năng và thẩm quyền thực hiện giao dịch này.
Vấn đề tiếp theo nữa cần được lưu ý là cho dù bên bán không có thẩm quyền hoặc giao dịch dân sự bị tuyên vô hiệu nhưng bên mua lại hoàn toàn không có lỗi. Trong tình huống đó, hậu quả pháp lý bắt buộc không chỉ là "khôi phục lại trạng thái ban đầu" mà còn bao gồm cả quyền đòi bồi thường thiệt hại của bên mua.
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty luật Bắc Nam, Đoàn luật sư Tp. Hà Nội cho rằng cơ quan quản lý đang rất quyết tâm trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền vì thế việc tôn trọng pháp luật của những người thực thi công vụ và của các cấp chính quyền cần phải đặt lên hàng đầu vì chúng ta đều biết rằng "thượng bất chính thì hạ tắc loạn". Nếu chỉ vì cái lợi trước mắt mà phá vỡ nguyên tắc thượng tôn pháp luật thì cái mất về lâu dài sẽ rất lớn.
Post a Comment