Thủ tướng, các phó thủ tướng đã chủ trì gần 800 cuộc họp, thực hiện 70 chuyến công tác, thị sát, các thành viên Chính phủ đã tiếp nhận, xử lý 2.004 kiến nghị của cử tri...

Đó là vài con số được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết tại hội nghị triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2019, sáng 28/12.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương 

Trình bày báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2018, Phó thủ tướng cho biết phương châm năm qua của Chính phủ gồm 10 chữ: "kỷ cương - liêm chính - hành động - sáng tạo - hiệu quả".

Cùng với phương châm này, là quan điểm chỉ đạo, điều hành xuyên suốt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phó thủ tướng cho biết, trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và quy chế làm việc của Chính phủ.

Báo cáo nêu rõ, Chính phủ đã đổi mới cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế gắn với tinh thần thượng tôn pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng. 

Đồng thời, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khơi dậy niềm tin, tạo động lực sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Năm qua, Chính phủ cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính liêm chính, hành động, phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động.

Các thành viên Chính phủ đã trả lời, giải trình bằng văn bản 265 chất vấn của đại biểu Quốc hội, trực tiếp trả lời 524 chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội tại hội trường, tiếp nhận, xử lý 2.004 kiến nghị của cử tri với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị và trách nhiệm.

Báo cáo cũng thống kế, năm 2018 lãnh đạo Chính phủ chủ trì, chỉ đạo gần 800 cuộc họp, thực hiện 70 chuyến công tác, làm việc với địa phương; tham dự và chỉ đạo xúc tiến đầu tư tại 20 tỉnh, thành phố, trực tiếp thị sát tình hình, giải quyết gần 400 kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho địa phương.

Cũng theo báo cáo thì thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ chỉ đạo kiên quyết điều tra phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng. Hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống tham nhũng; tăng cường thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm; tập trung thanh tra một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, những dự án thua lỗ, dư luận xã hội quan tâm.

Phản ứng chính sách có lúc chưa kịp thời

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu những tồn tại, hạn chế của 2018, như công tác dự báo, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách chưa chủ động. 

Trong một số trường hợp, phản ứng chính sách chưa kịp thời, việc khắc phục cơ chế, chính sách, pháp luật bất cập chưa đạt yêu cầu.

Một số báo cáo, đề án trong chương trình công tác chưa đạt tiến độ đề ra, trong khi có nhiều trường hợp phát sinh phải bổ sung, gây bị động trong việc sắp xếp chương trình làm việc của Chính phủ.

Hạn chế tiếp theo là công tác phối hợp trong xử lý những vấn đề liên ngành giữa các bộ, cơ quan còn tình trạng né tránh, ý kiến không rõ ràng, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài.

Một số hồ sơ dự án luật chưa đầy đủ theo quy định. Chưa chủ động, kịp thời trong việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. 

Chưa chú trọng nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động của chính sách; công tác thông tin, truyền thông định hướng chính sách chưa chủ động, thiếu dự báo nên chưa nhận được sự đồng thuận và tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Chính phủ cũng nhìn nhận, hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành trong một số lĩnh vực còn chưa đáp ứng yêu cầu. 

Một số địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động nắm tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống phát sinh, để xảy ra vụ việc đáng tiếc gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hình ảnh Việt Nam.

Theo Chính phủ, những hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; một số cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top