"Tôi hơi bất ngờ và xúc động", ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) bày tỏ khi tham gia thảo luận tại hội thảo bàn về việc đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, sáng 10/1.
Bất ngờ mà ông Thắng đề cập có liên quan đến một "nhân vật" trung tâm của hội thảo.
Đó chính là tài liệu hướng dẫn tự nguyện giảm thiểu rủi ro về môi trường - xã hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại tiểu vùng Mê Kông, được nhấn mạnh là tài liệu hướng dẫn đầu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 11/2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam mới được cấp đã tăng thêm 357,5 triệu USD. Lào, Campuchia và Myanmar lần lượt xếp thứ 1,2 và 8 trong các điểm đến đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp là ngành kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là những rủi ro liên quan đến môi trường và xã hội do nhu cầu về quỹ đất và lực lượng lao động lớn là thông tin được nhấn mạnh tại hội thảo.
Đó cũng là lý do ba cơ quan tổ chức hội thảo phối hợp thực hiện hướng dẫn nói trên từ 2015 tại các nước thuộc tiểu vùng Mê Kông.
Đây là tài liệu được xây dựng dựa trên phương pháp tiếp cận từ dưới lên thông qua kinhh nghiệm thực tế của nhóm doanh nghiệp tiên phong, gồm 6 doanh nghiệp và 2 hiệp hội đi đầu trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Như Hiệp hội Cao su Việt Nam, Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh - Gia Lai, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam...
"Qua hai năm áp dụng, các doanh nghiệp thí điểm đã thành công với hướng dẫn này", Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết.
Theo Phó chủ tịch VCCI thì tại Việt Nam vẫn thường có tranh luận chính sách về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tương tự, các nước cũng có quan tâm đến các dự án đầu tư từ Việt Nam, do đó cần có biện pháp linh hoạt cần thiết để doanh nghiệp Việt đầu tư có hiệu quả tại nước ngoài.
Giới thiệu về bản hướng dẫn, bà Nguyễn Hoàng Phượng từ tổ chức PanNature nhấn mạnh rằng mục tiêu đầu tiên là giảm thiểu rủi ro cho chính doanh nghiệp, cũng là bảo vệ hình ảnh của các nhà đầu tư Việt Nam, nên tài liệu hướng dẫn đã đi thẳng vào những vấn đề gai góc nhất mà các doanh nghiệp thường gặp phải.
Với câu hỏi rủi ro đến từ đâu, bà Phượng nêu 6 nguồn: pháp luật của quốc gia đi đầu tư, luật pháp quốc gia nhận đầu tư, luật pháp quốc tế về nhân quyền, chính sách của các tổ chức cung ứng tài chính, chính sách của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ.
"Phần lớn doanh nghiệp chỉ quan tâm đến hai yếu tố đầu, còn yếu tố còn lại ít được quan tâm hơn, nhưng lại hay mắc nhất", bà Phượng nhấn mạnh.
Bà Phượng cho biết, hướng dẫn tập trung vào các rủi ro môi trường và xã hội với bốn vấn đề cơ bản bao gồm : đất đai, lao động, môi trường và văn hoá dân tộc bản địa.
Bốn vấn đề nêu trên được nêu theo từng giai đoạn của một dự án: chuẩn bị, thực hiện và kết thúc đầu tư. Câu trả lời làm thế nào để giảm thiểu rủi ro được nêu chi tiết trong từng giai đoạn này.
Từ quá trình thí nghiệm thực hiện hướng dẫn, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư cao su Đắc Lắc cũng đã khẳng định nhiều kết quả khả quan.
"Trước khi tham gia hướng dẫn tự nguyện, quan điểm của doanh nghiệp là làm đúng và đầy đủ theo yêu cầu của nước sở tại là tốt rồi, vô tình đã không đánh giá hết những rủi ro tiềm ẩn. Sau khi thực hiện thí điểm, công ty đã ý thức rõ hơn về phát triển bền vững, quan hệ cởi mở hơn với các tổ chức phi chính phủ, giải quyết tốt hơn nhiều vấn đề về văn hoá, xã hội... nơi đầu tư", bà Nguyễn Thị Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư cao su Đắc Lắc nói.
Post a Comment