Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Một trong những nội dung chính của nghị quyết là Chính phủ xác định 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.
Giữ ổn định thị trường vàng, ngoại tệ
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Chính phủ thống nhất điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý.
Giữ ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Tăng trưởng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và việc huy động, cho vay bằng ngoại tệ; củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước.
Thực hiện hiệu quả các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường; điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý theo lộ trình và liều lượng phù hợp. Phấn đấu GDP năm 2019 tăng khoảng 6,8%, kiểm soát tốc độ tăng CPI dưới 4%.
Tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước
Quyết liệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; có giải pháp để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại nhà nước chiếm cổ phần chi phối.
Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%. Tạo chuyển biến căn bản về quản trị ngân hàng, hiệu quả và an toàn hoạt động.
Tập trung xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ. Thúc đẩy áp dụng Chuẩn mực an toàn Basel 2.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện thí điểm các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), nghiên cứu việc nạp tiền vào ví điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng và áp dụng công nghệ mới, giải pháp đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực ngân hàng.
Cuối 2019 nợ công khoảng 61,3% GDP
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước. Triển khai hiệu quả Luật Quản lý và sử dụng tài sản công. Giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay. Phấn đấu đến cuối năm 2019, dư nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,2% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia dưới 49% GDP.
Cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thuế. Mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử, cơ bản hoàn thành trong năm 2019 ở Hà Nội, Tp.HCM và các thành phố lớn; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%. Phấn đấu tăng thu ngân sách khoảng 5% so với dự toán và tỷ lệ động viên ở mức 23,5% GDP.
Điều hành chi ngân sách theo dự toán được giao; phấn đấu nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 27% - 27,5%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống 63% - 63,5% tổng chi ngân sách nhà nước. Tiết kiệm chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế mua sắm xe ôtô công và trang thiết bị đắt tiền; tiết kiệm tối đa chi phí tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài...
Cân đối nguồn lực để thực hiện đúng lộ trình cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết Trung ương. Kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước năm 2019 ở mức không quá 3,6% GDP. Triển khai thực hiện cam kết quốc tế, sửa 71 Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, chống xói mòn nguồn thu.
Bảo đảm cân đối xuất, nhập khẩu; phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8 - 10%, kiểm soát nhập siêu dưới 2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 12%; triển khai Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát; kịp thời ứng phó có hiệu quả các biến động trên thị trường thế giới, nhất là thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại.
Quyết liệt các đột phá chiến lược
Nhiệm vụ và giải pháp tiếp theo là thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Trong đó, về thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Sớm xây dựng, trình Quốc hội Đề án nội luật hóa các cam kết hội nhập quốc tế trong các Hiệp định.
Đẩy mạnh phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán, lao động, bất động sản và khoa học công nghệ. Triển khai Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán, bảo hiểm; cơ cấu lại tổ chức các sở giao dịch chứng khoán; đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới.
Hoàn thiện thể chế, phát triển thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh, khuyến khích phát triển thị trường nhà ở cho thuê. Phấn đấu diện tích bình quân nhà ở toàn quốc là 24,5 m2 sàn/người. Phát triển mạnh doanh nghiệp khoa học công nghệ và thị trường khoa học công nghệ, đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, khơi thông nguồn lực, thu hút mạnh nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Giải quyết dứt điểm các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, điện, năng lượng, như dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Tp.HCM và các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao...; hoàn thiện công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; khơi thông thể chế để tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội; xây dựng dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công.
Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Công khai doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán và xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Phát huy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tập trung vốn, hợp vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư có hiệu quả (theo cơ chế thị trường) vào các công trình lớn, trọng điểm quốc gia, có yếu tố đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Chặn tham nhũng, nhũng nhiễu
Nghị quyết cũng đặt ra vấn đề và các giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Nghiêm túc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; xử lý nghiêm các vi phạm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát; kiên quyết xử lý, khắc phục tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực.
Ngoài ra, nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đổi mới phương thức, lề lối làm việc,tăng tối thiểu 20% số lượng cuộc họp theo hình thức trực tuyến; cắt giảm 20% chế độ báo cáo định kỳ.
Post a Comment