Những câu chuyện về pháp luật kinh doanh 2018 cũng vẫn còn những điểm mờ, cải cách ở nhiều lĩnh vực vẫn còn chưa thực chất, vẫn đang dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới, kinh doanh thông minh nhưng quản lý nhà nước vẫn thủ công...
Đó là nhận xét của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại hội thảo báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 sáng 15/1.
Theo Chủ tịch VCCI thì 2018 được coi là năm của cải cách thể chế với việc đồng khởi của những nỗ lực cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Đó cũng là hai điểm nghẽn lớn nhất cho việc gia nhập thị trường và lưu thông thương mại qua biên giới, và cũng là hai rào cản lớn nhất cho phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập - với tư cách là những động lực quan trọng hàng đầu của công cuộc phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Trong cuộc đồng khởi đó, 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đơn giản hóa hoặc dỡ bỏ đã giải phóng doanh nghiệp khỏi hàng ngàn các thủ tục và chi phí không cần thiết, góp phần thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, mang lại niềm tin cho giới kinh doanh, ông Lộc nhấn mạnh.
Nhưng, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, những câu chuyện về pháp luật kinh doanh 2018 cũng vẫn còn những điểm mờ, cải cách ở nhiều lĩnh vực vẫn còn chưa thực chất. Chúng ta vẫn đang dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới – kinh doanh thông minh nhưng quản lý nhà nước vẫn thủ công, vẫn thấy tình trạng ngập ngừng trong tư duy quản lý của các bộ ngành.
Các giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân vẫn thiên về việc ưu đãi mà ngập ngừng trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi về thể chế: quyền tài sản đối với đất đai, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống gian lận, hàng giả hàng nhái, thực thi hợp đồng, sự minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý và quyền tự quyết của doanh nghiệp, ông Lộc nhận định.
Khẳng định hành trình tiến đến môi trường kinh doanh an toàn thuận lợi còn rất gian nan, ông Lộc cho rằng nếu nói điểm nghẽn lớn nhất nằm ở khâu thực thi chỉ đúng một nửa, mà thực ra điểm nghẽn lớn nhất vẫn nằm trong hệ thống pháp luật kinh doanh thiếu minh bạch, chồng chéo.
Bởi vậy, Chủ tịch VCCI cho biết, cá nhân ông vẫn kiên định kiến nghị ông đã từng nêu ở Quốc hội là cứ 6 tháng 1 lần VCCI và cộng đồng doanh nghiệp sẽ đệ trình lên Quốc hội và Chính phủ bản khuyến nghị một luật sửa nhiều luật có liên quan đến môi trường kinh doanh.
Nếu cứ chờ sửa các đạo luật theo đúng quy trình thì rất chậm, trong khi thực tế có rất nhiều vấn đề không chỉ doanh nghiệp mà cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng thấy rõ ràng là bất hợp lý nhưng vẫn phải thực hiện vì luật quy định như vậy, ông Lộc nói.
Vì thế, Chủ tịch VCCI cho rằng những quy định không hợp lý về kinh doanh có thể được sửa trong từng kỳ họp Quốc hội, định kỳ 6 tháng một lần, có thể 1 luật chỉ sửa 1 điều nhưng điều đó tác động thực tiễn đến người dân và doanh nghiệp.
Ngay sau hội thảo hôm nay chúng tôi sẽ tập hợp những điểm bất hợp lý trong pháp luật kinh doanh để gửi đến Quốc hội, ông Lộc cho biết.
Liên quan đến vấn đề được ông Lộc nhấn mạnh là kinh doanh thông minh nhưng nhà nước vẫn thủ công, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 cũng dành một chuyên mục để nói về một thách thức pháp lý lớn mà công tác xây dưng thể chế phải đối mặt. Đó là những thách thức về tư duy chính sách khi xuất hiện những mô hình kinh doanh mới như hoạt động vận tải qua phương thức kết nối công nghệ (Uber, Grab), hay kinh doanh lưu trú qua mô hình kết nối Airbnb.
Báo cáo chỉ ra rằng, trước sự xâm lấn của các mô hình này thì phản ứng của các doanh nghiệp cũng rất khác nhau còn cơ quan nhà nước vẫn lúng túng trong ứng xử.
Đối với phương thức kinh doanh sử dụng công nghệ kết nối, ông Tuấn nhấn mạnh rằng dù thảo luận rất miệt mài hiện cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa xác định được cơ chế quản lý cụ thể, vẫn đang thí điểm áp dụng. Trong khi đó, với kinh doanh lưu trú qua mô hình kết nối Airbnb cơ quan quản lý ngành du lịch lại đang giữ im lặng.
Post a Comment