Nạn phân biệt đối xử, nạn tham nhũng, các rào cản thủ tục hành chính, và đặc biệt là phong trào "doanh nghiệp sân sau" đang bủa vây những doanh nghiệp tư nhân làm ăn ngay ngắn.
Đó là nhận định được nêu tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý 4 và năm 2018 tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019-2020: vận hội mới - yêu cầu mới" do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 17/1.
Nhiều câu hỏi tại sao
Kinh tế tư nhân trong nền kinh tế là một nội dung đáng chú ý tại báo cáo.
So sánh hiệu qủa đầu tư giai đoạn 2011 - 2016 của các thành phần kinh tế, nhóm nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng về lợi nhuận bình quân cao nhất (25,5%) so với 2 khu vực kinh tế trong nước là doanh nghiệp Nhà nước (21%) và khu vực ngoài Nhà nước (17,4%).
Trong khi đó, tăng trưởng bình quân về tổng thuế của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ là 8,6% (so với 21% của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước), đặc biệt tăng trưởng bình quân về thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn thấp hơn nữa, chỉ là 7,5% (so với 21% của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước).
Nhóm chuyên gia của CIEM đặt vấn đề, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư ít hơn, lợi nhuận cao hơn và nộp thuế ít hơn khu vực kinh tế trong nước phải chăng là một nghịch lý của việc kêu gọi đầu tư nước ngoài với nhiều ưu đãi, trong khi không thu được lợi gì?
Một số ý kiến cho rằng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thu hút được nhiều lao động. Nhưng số liệu cho thấy đến năm 2016 lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ bằng khoảng 40% lao động trong khu vực ngoài Nhà nước và công nghệ hầu như cũng không có sự chuyển giao gì?
"Câu hỏi tại sao lại phải ưu đãi cho khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhiều như vậy? Tại sao các doanh nghiệp nội và người dân phãi còng lưng đóng thuế thay cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để làm tăng thêm lợi nhuận cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài? Tại sao đất công lại mang ra ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp thân hữu, doanh nghiệp sân sau? Những câu hỏi tại sao đã nhiều lần được các chuyên gia đặt ra nhưng hầu như không có câu trả lời thỏa đáng", nhóm nghiên cứu nhận định.
Số liệu thống kê cho thấy hơn 10 năm qua, tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trong GDP chỉ ở mức 7-8%. Con số này dường như có vấn đề gì đó không không phản ánh đúng thực tế, gây băn khoăn cho các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách. Vậy vấn đề đó là gì?, câu hỏi khó tiếp tục được nêu ra tại báo cáo.
Lo "doanh nghiệp sân sau"
Một phần câu trả lời cho câu hỏi vì sao doanh nghiệp trong nước đóng góp vào GDP ít đã được đề cập ở phần tiếp theo của báo cáo.
Như, sự vênh nhau trong thống kê và thực tế, khi cơ quan thống kê thu thập từ điều tra hoặc từ báo cáo quyết toán thuế của cơ quan thuế. Thế nhưng, trên thực tế, hầu như mỗi doanh nghiệp đều có từ 2 đến 3 sổ sách quyết toán, một sổ cho cơ quan thuế, một sổ cho hạch toán nội bộ, một sổ cho ngân hàng khi doanh nghiệp cần vay. Số liệu trong những cuốn sổ này là rất khác nhau, thường là số liệu trong hạch toán nội bộ lớn hơn số trong báo cáo quyết toán thuế khá nhiều. Và một nguyên nhân có thể giải thích sự vênh nhau này là do lĩnh vực kinh tế ngầm.
Sâu xa hơn vẫn là những khó khăn của kinh tế tư nhân. Nhóm nghiên cứu nhận định, sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay.
Sự chậm trễ, oan sai trong xét xử; hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm, hiện tượng không công nhận và tòa án hủy các phán quyết trọng tài khá tùy tiện,... đang phát đi những tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh lành mạnh.
Theo báo cáo, cùng với sự gia tăng chi phí nhân công, chi phí về vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang là vấn đề lớn. Doanh nghiệp Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng và lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác đang hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh trái phiếu chính phủ phát hành còn ở quy mô lớn, thì lãi suất vay khó mà giảm xuống, càng làm cho khu vực doanh nghiệp tư nhân không thoát khỏi rào cản này.
"Những khó khăn trên ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp tư nhân, đó là chưa kể nạn phân biệt đối xử, nạn tham nhũng, các rào cản thủ tục hành chính, và đặc biệt là phong trào "doanh nghiệp sân sau" đang bủa vây những doanh nghiệp tư nhân làm ăn ngay ngắn", báo cáo nêu nhận định.
Post a Comment