Tại hội thảo góp ý cho dự thảo nghị định thì các doanh nghiệp tham dự vỗ tay rào rào, nhưng rất tiếc là có luật hiệu lực đã 15 ngày mà nghị định hướng dẫn thi hành luật lại chưa được ban hành.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hưng khi phát biểu tại hội thảo điểm lại pháp luật kinh doanh 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 15/1 đã phản ánh như trên, cả hai mảng sáng và chưa sáng của bức tranh, qua tiếng vỗ tay và tiếng "thở dài".

Trước khi ông Hưng và đại diện một số hiệp hội khác phát biểu, hội thảo đã nghe ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI giới thiệu khái quát báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018.

Ông Tuấn cho biết, trong năm 2018, các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành trên 900 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có 16 luật và 18 nghị quyết của Quốc hội, 1 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 169 nghị định của Chính phủ, 51 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 590 Thông tư của các bộ và 47 văn bản khác...

Phát biểu nói trên của ông Hưng liên quan đến một trong 16 đạo luật được Quốc hội thông qua trong năm 2018, được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm: Luật An ninh mạng.

Hơn một tháng trước, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của luật với sự tham dự của cả hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp.

Cách đây 6 tháng khi luật được thông qua thì bi quan, sau hội thảo đó thì lạc quan, quy định tại dự thảo khá là tốt, các doanh nghiệp tham gia vỗ tay rào rào, vì bao nhiêu lo lắng được giải toả. Nhưng rất tiếc là luật có hiệu lực từ 1/1 mà đến nay chưa có nghị định, rõ ràng là có sự gián đoạn, ông Hưng phát biểu.

Ý kiến của một số hiệp hội sau đó và cả những thông tin từ báo cáo chính cũng cho thấy tiếng vỗ tay và tiếng thở dài đan xen.

Theo Trưởng ban Pháp chế của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn thì nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm chính là một món quà cho các doanh nghiệp thực phẩm. Bởi những thay đổi về phương thức quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại này là một trong những "điểm sáng" của năm 2018 về cải cách thủ tục hành chính. 

Nếu như trước đây, doanh nghiệp phải thực hiện công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm với quy trình, thủ tục phức tạp, thiếu rõ ràng, nhất là thủ tục công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm khi thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật, thì nay theo quy định tại Nghị định 15, doanh nghiệp được chủ động công bố sản phẩm phù hợp với an toàn thực phẩm trong trường hợp chưa có quy định. Quy trình, thủ tục cũng đơn giản và minh bạch hơn. Cũng theo nghị định này, việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của cơ quan nhà nước sẽ được tiến hành trên cơ sở quản lý rủi ro, kiểm tra xác suất trên những lô hàng có nguy cơ mất an toàn cao, chứ không kiểm tra cảm quan đại trà như trước đây. Nếu như phát hiện vi phạm, mức xử phạt cũng được đề xuất tăng gấp nhiều lần so với trước đây.

Xác nhận là các doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều từ những điểm mới của nghi định này, bà Phạm Thị Ngọc (Hiệp hội Sữa Việt Nam) cũng nhắc lại là trước đó doanh nghiệp đã kêu rất nhiều. Nhưng, hiện tại các doanh nghiệp thực phẩm vẫn phải tiếp tục kêu về thông tư 12 của Bộ Khoa học và công nghệ, bởi nếu theo quy định  tại đây thì các doanh nghiệp chỉ được khiếu nại chứ không được kiểm nghiệm lại những mẫu hàng hoá kiểm nghiệm được kết luận là không đạt chất lượng.

Trong khi năng lực kiểm nghiệm tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, bà Ngọc cho rằng nếu thực hiện theo thông tư này thì doanh nghiệp rất dễ gặp "hạn" khi mà hạn sử dụng của một số sản phẩm sữa chỉ từ 30 đến 60 ngày, nhưng lại có đến tận 40 chất cần được kiểm nghiệm.

Không dùng hình ảnh vỗ tay rào rào song ý kiến của đại diện Hiệp hội Chứng khoán Việt Nam nhấn mạnh hai chữ hài lòng khi quá trình sửa Luật Chứng khoán Ban soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến nhiều lần, chu đáo.

Nhưng, một số quy định thì theo vị này cần phải tiếp tục đấu tranh, như quy định về quỹ bảo vệ nhà đầu tư có những điểm trái nguyên tắc pháp luật.

Sau vỗ tay lại thở dài, đó là hình ảnh xuất hiện từ bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch VCCI cho đến báo cáo chính và phần thảo luận.

Bởi, như khái quát của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thì sự chồng chéo thiếu nhất quán của hệ thống pháp luật nhiều khi đã đẩy người dân và doanh nghiệp vào tình thế khó. Vẫn còn tình trạng mỗi bộ ngành một luật. Theo luật của bà bộ trưởng này thì đúng, chiểu theo luật của ông bộ trưởng khác thì sai. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top