Không cần điều luật riêng về triết lý giáo dục Việt Nam, đó là kết quả của đa số khi lấy ý kiến nhân dân về Luật Giáo dục (sửa đổi), được Chính phủ đề nghị tiếp thu.

Trong phiên họp chiều 21/2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Triết lý giáo dục Việt Nam là gì là vấn đề không chỉ khi Luật Giáo dục được sửa đổi mới được đặt ra mà trước đó đã từng xuất hiện từ một số phiên chất vấn tại nghị trường.

Và theo phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trước Quốc hội thì "Việt Nam có triết lý giáo dục, chứ không phải không có. Chỉ có điều, không có những câu trích dẫn để thành kinh điển".

Nhưng, nghiên cứu dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội (tháng 11/2018) một số vị đại biểu vẫn băn khoăn về triết lý giáo dục của riêng Việt Nam.

Bởi, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) triết lý giáo dục vốn được xem là kim chỉ nam trong toàn bộ hoạt động giáo dục được xây dựng trên 4 trụ cột chính là đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục. Nếu như Phần Lan với triết lý phải có niềm tin vào con người, Singapore với nền tảng trường học tư duy, quốc gia học tập thì giáo dục Nhật Bản vận hành theo triết lý mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức.

Trên nền tảng đó, những cơ chế, chính sách được ban hành nhằm thỏa mãn các điều kiện của 4 trụ cột, nhờ đó mà nền giáo dục của các quốc gia trên đạt trình độ phát triển được cả thế giới thừa nhận.

Từ triết lý giáo dục của các nước, không ít lần các học giả, nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: vậy triết lý giáo dục của Việt Nam là gì, liệu từ mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục được chế định trong dự luật lần này soi rọi được gì để có thể khái quát thành triết lý giáo dục của Việt Nam, đại biểu Nhân đặt vấn đề.

Một số vị khác cũng cho rằng cần nghiên cứu về triết lý giáo dục của Việt Nam để thể hiện trong luật.

Sau kỳ họp, Chính phủ xếp quy định về triết lý giáo dục trong nhóm vấn đề đầu tiên của 11 nhóm vấn đề trọng tâm cần xin ý kiến nhân dân.

Kết quả, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, về quy định triết lý giáo dục: có 2 nhóm ý kiến. Đa số các ý kiến góp ý cho rằng dự thảo luật không cần một chương hay điều luật riêng có tên là "triết lý giáo dục" và triết lý giáo dục đã được thể hiện trong các quy định về mục tiêu của giáo dục, tính chất, nguyên lý giáo dục, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục và phát triển giáo dục của dự thảo luật. 

Nhưng các ý kiến này cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện quy định tại các  điều luật nói trên cho phù hợp với nghị quyết số 29-NQ/TW và Hiến pháp 2013.

Có một số ít ý kiến đề nghị hợp nhất điều 2 (mục tiêu giáo dục) và điều 3 (tính chất, nguyên lý giáo dục) thành một điều là "triết lý giáo dục".

Chính phủ tiếp thu nhóm ý kiến thứ nhất và sẽ tiếp tục hoàn thiện các điều thể hiện triết lý giáo dục trong dự thảo luật. 

Cơ bản tán thành với Chính phủ trong việc tiếp thu ý kiến nhân dân đối với vấn đề triết lý giáo dục, thường trực cơ quan thẩm tra (Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Triết lý này thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển giáo dục, được thể chế hóa thành các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục về mục tiêu, tính chất, nguyên lý, quan điểm phát triển giáo dục.

Chủ nhiệm Uỷ ban thẩm tra, ông Phan Thanh Bình nói, triết lý giáo dục là tư tưởng định hướng, luật là những quy định có tính nguyên tắc, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giáo dục.

Theo đó, rất khó để quy định cụ thể triết lý giáo dục trong một điều khoản của luật, ông Bình nhấn mạnh.

Báo cáo của cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ, nghiên cứu luật giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy, việc thể hiện tư tưởng triết lý giáo dục của các nước rất đa dạng nhưng hầu hết các luật không quy định riêng về triết lý giáo dục mà được thể hiện thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục.

Vì vậy, Thường trực uỷ ban nhất trí với việc không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà sẽ thể hiện lồng ghép trong các quy định chung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục. Đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các quy định khác của dự thảo luật này.

Phần thảo luận chiều 21/2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đều nhất trí không có điều luật riêng về triết lý giáo dục tại dự thảo.

Sau khi hoàn thiện thêm một bước, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ còn được thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top