Từ 2013 đến 2018 phát sinh 14 vụ kiện đã xử 10 vụ thì cơ quan thuế thì thua cả 10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói tại phiên họp sáng 21/2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Một số vấn đề lớn về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là nội dung được xem xét tại phiên họp này.
Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước (điều 21) và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan thanh tra nhà nước (điều 22) là một trong những nội dung được cơ quan thẩm tra (Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) báo cáo trước khi Thường vụ Quốc hội thảo luận.
Chủ nhiệm Uỷ ban thẩm tra Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu, nhiều ý kiến ý kiến đề nghị điều chỉnh khoản 2 điều 21 và khoản 2 điều 22 theo hướng Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước ban hành theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thanh tra.
Thường trực cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thống nhất tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm thống nhất với quy định tại điều 7 của Luật Kiểm toán nhà nước về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán và điều 9, điều 10 của Luật Thanh tra về trách nhiệm của cơ quan thanh tra, chính lý các điều khoản trên theo hướng, cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra ban hành.
Đồng thời, để khắc phục tồn tại trong thực tiễn phát sinh khi cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế có liên quan đến nghĩa vụ người nộp thuế, Thường trực cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thống nhất sửa đổi theo hướng, cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra nhà nước phải có trách nhiệm gửi văn bản có kiến nghị cho người nộp thuế về các nội dung có liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện theo kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra.
Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra thì thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra nhà nước theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thanh tra và Luật Khiếu nại và Luật tố tụng hành chính.
Khi thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu, trách nhiệm của các cơ quan liên quan khi người nộp thuế khởi kiện cũng là vấn đề khiến Bộ trưởng Bộ Tài chính tâm tư. Lúc ấy, Bộ trưởng Dũng nói, trong quá trình triển khai, có những kết luận của thanh tra, kiểm toán, cơ quan thuế chấp hành rất nghiêm túc, thông báo cho người nộp thuế nộp thêm, nhưng người nộp thuế thấy chưa thỏa đáng nên kiện. Kiện lần thứ nhất, cơ quan thuế là người ra quyết định thì phải xử lý. Họ không đồng ý, họ kiện lên cấp trên của cơ quan quản lý thuế là Bộ Tài chính xử lý. Nếu không chấp hành nữa thì đưa ra tòa.
Và đề nghị của Bộ trưởng trước Quốc hội khi đó là ai kết luận thì người đó phải chịu trách nhiệm giải trình trước tòa.
Cuối phần thảo luận sáng 21/2, Bộ trưởng Dũng tiếp tục nêu đề nghị này.
Ông Dũng nói, từ 2013 đến 2018 phát sinh 14 vụ kiện đã xử 10 vụ thì cơ quan thuế thì thua cả 10, 3 vụ đang thụ lý và 1 vụ tạm dừng.
Nhấn mạnh quan điểm khi kiểm toán kết luận thì kiểm toán phải có trách nhiệm đến cùng, Bộ trưởng Dũng nêu thực tế có vụ việc hai lần kiểm toán kết luận thì đưa ra hai con số khác nhau có độ vênh rất lớn, và nếu cứ thu theo con số ban đầu thì cơ quan bị truy thu họ sẽ kiện.
Phải rõ trách nhiệm chứ không thì không giải trình được, ông Dũng đề nghị.
Phát biểu kết thúc phần thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu cần rà soát thêm để mọi quy định đều phải công khai minh bạch. Các cơ quan liên quan phải phối hợp khi có khiếu kiện, tránh gây khó khăn cho tổ chức và cá nhân người nộp thuế.
Post a Comment