Sau khá nhiều lần kiến nghị, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ có thể sắp "thoát" điều kiện kinh doanh.

Sáng 20/2 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật Sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với lần sửa đổi này, dự kiến sẽ đưa 22 ngành nghề ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Trong đó, có một ngành nghề mà theo luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) là đã kiến nghị trước khi sửa danh mục hiện hành nhưng vẫn chưa được chấp nhận, đến nay mới dự kiến bỏ.

Chính VCCI từ giữa 2016 cũng đã kiến nghị loại bỏ ngành nghề "kinh doanh dịch vụ mua bán nợ" ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.

Kiến nghị của VCCI nêu rõ theo khoản 1 điều 7 Luật Đầu tư 2014 thì điều kiện kinh doanh được áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định "vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng".  

 Nói cách khác, Nhà nước chỉ kiểm soát thông qua các điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề (toàn bộ hoặc một phần các hoạt động trong ngành nghề) mà hoạt động của chúng có thể ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng ở mức đáng kể. Trong khi đó, hoạt động mua bán nợ và dịch vụ mua bán nợ lại không ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng. 

Phân tích từ VCCI cho thấy từ tất cả các góc độ (đối tượng, chủ thể, hệ quả), việc thực hiện giao dịch mua bán nợ cũng như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chỉ liên quan tới các chủ thể tham gia, hoàn toàn không có ảnh hưởng nào tới các lợi ích công cộng được liệt kê trong khoản 1 điều 7 Luật Đầu tư.  

Căn cứ của để xuất bãi bỏ kinh doanh dịch vụ mua bán nợ lần này về cơ bản cũng chính là những phân tích của VCCI gần 3 năm trước.

Đó là, về bản chất, mua bán nợ là giao dịch trong đó một khoản nợ (cùng với các quyền và nghĩa vụ gắn với khoản nợ đó) được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. 

"Nợ" - đối tượng của giao dịch này - bao gồm có thể là bất kỳ khoản nợ nào hình thành trong các giao dịch dân sự, thương mại bình thường (các khoản nợ có tính nhạy cảm, của một nhóm đối tượng đặc thù đã thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản khác). 

Chủ thể của giao dịch mua bán nợ có thể là bất kỳ chủ thể kinh doanh nào (trừ các chủ thể chuyên nghiệp như các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán…đã được kiểm soát bằng các văn bản pháp luật khác). 

Dịch vụ mua bán nợ chỉ là dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy các giao dịch mua bán nợ nói trên. Kết quả của giao dịch mua bán nợ không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ, mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó. 

Như vậy, việc thực hiện giao dịch mua bán nợ cũng như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chỉ liên quan tới các chủ thể tham gia, hoàn toàn không có ảnh hưởng nào tới các lợi ích công cộng được liệt kê trong khoản 1 điều 7 Luật Đầu tư. 

Hơn nữa, ban soạn thảo cho rằng, theo quy định của pháp luật dân sự, "nợ" được xem một loại hàng hoá, được giao dịch trên thị trường (những khoản nợ "đặc thù", "nhiều nguy cơ" ví dụ các khoản nợ xấu của ngân hàng, các tổng công ty nhất định... đã được điều chỉnh bởi các văn bản riêng.

Hệ thống pháp luật về dân sự, thương mại liên quan tới hoạt động mua bán hiện tại đã có đủ cở sở pháp lý để điều chỉnh giao dịch mua bán nợ cũng như các giao dịch hỗ trợ mua bán nợ.

Theo dự kiến, dự thảo Luật Sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sẽ được trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019). Và dịch vụ mua bán nợ có thể "thoát"được  điều kiện kinh doanh hay không phải chờ Quốc hội quyết định.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top