Theo Business Insider, nàng tiên cá chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhiều người tuyên bố nhìn thấy sinh vật bí ẩn này, song thực chất họ chỉ đang nhầm lẫn nàng tiên cá với loài lợn biển.
Giải mã xác ướp người cá FeeJee
Xác ướp người cá FeeJee chỉ là một trò bịp bợm. Ảnh minh họa: Tskuebler
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học St George đã thực hiện nghiên cứu và đưa ra kết luận về xác ướp nổi tiếng FeeJee vào năm 2011. Theo nhóm nghiên cứu, xác ướp FeeJee là một trò lừa đảo khi đây là sản phẩm cấy ghép tinh vi giữa mình khỉ và đuôi cá.
Sau khi chụp X-quang mẫu xác ướp cá khỉ tại viện Bảo tàng Horniman, tiến sĩ sinh lý học James Moffatt, làm việc tại trường St George cho biết: "Xác ướp thực chất được làm từ các mẩu xương cá, chân gà, đất sét, lá cây,...".
Ban đầu, FeeJee được tạo ra như một vật may mắn cho ngư dân mỗi lần ra khơi, song những lời đồn thổi khiến nó trở nên quá nổi tiếng và nhiều người tin vào sự tồn tại của nàng tiên cá.
Sinh vật bí ẩn đằng sau huyền thoại về các nàng tiên cá
Hình dáng của loài lợn biển nhìn từ xa khiến nhiều người nhầm tưởng chúng là nàng tiên cá. Ảnh minh họa: AP
Câu chuyện về nàng tiên cá từ lâu đã trở thành huyền thoại. Và với việc 95% đại dương vẫn chưa được khám phá, chẳng khó khi mọi người vẫn tin vào sự tồn tại của sinh vật thần thoại nửa người, nửa cá này.
Tuy nhiên, nàng tiên cá thực chất chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Theo Business Insider, lợn biển là sinh vật khiến mọi người (trong đó có cả nhà thám hiểm Columbus) nhầm tưởng đó là nàng tiên cá.
Nhiều dẫn chứng được đưa ra để giải thích cho nhận định này. Tạp chí National Geographic cho rằng loài lợn biển dễ khiến nhiều người nhầm lẫn chúng với con người bởi chi trước của chúng giống bàn tay 5 ngón. Đồng thời, các đốt sống cổ giúp chúng có thể ngoái đầu về sau. Lợn biển còn có đuôi dẹt giống như cá. Bởi vậy, khi nhìn thấy chúng ở khoảng cách xa và chỉ nổi nửa người sẽ dễ nhầm lẫn, trang Live Science nhấn mạnh.
Dù vậy, câu chuyện về việc phát hiện ra nàng tiên cá vẫn là niềm cảm hứng của nhiều người và nhiều khi còn gây ra tranh cãi.
Năm 2009, người dân thị trấn Kirvat Yam, Israel, tuyên bố họ nhìn thấy một nàng tiên cá nổi trên mặt nước, tờ NY Daily News đưa tin. Giới chức thị trấn đã đưa ra mức thưởng 1 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp bằng chứng về người cá này, song không ai đưa ra được bằng chứng thuyết phục để nhận số tiền thưởng lớn.
Sau đó, năm 2013, kênh truyền hình Animal Planet công bố một tài liệu mang tên Mermaids: The Body Found (tạm dịch là "Người cá: Xác chết được tìm thấy"). sau khi chương trình lên sóng, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA) đặt nhiều nghi vấn. Sau đó, NOAA đã khẳng định: "Không có bằng chứng của sinh vật nửa người, nửa cá nào được tìm thấy từ trước tới nay".
>> XEM THÊM: Sự thật về 'nàng tiên cá': Có thực hay chỉ là huyền thoại? (Kỳ 1)