Mới đây, chuỗi cửa hàng thời trang Zara đã bị dính vào một vụ kiện tập thể với cáo buộc "chặt chém có hệ thống" đối với các khách hàng tại Mỹ.
Theo nội dung đơn kiện dài 26 trang, hãng luật Geragos & Geragos - đại diện cho những cá nhân tham gia vụ kiện đã chỉ ra rằng: Chuỗi cửa hàng thời trang Zara có những hành vi lừa dối khách hàng về giá của những sản phẩm bày bán trong các cửa hàng của thương hiệu này, đồng thời quy đổi tỷ giá một cách vô lý nhằm chuộc lợi từ những khách hàng không chú ý.
Cụ thể, nhiều cửa hàng của hãng Zara tại Mỹ đã bị cáo buộc sử dụng tag ghi giá bán bằng đồng Euro thay vì đồng Dollar Mỹ, từ đó khiến cho khách hàng lầm tưởng rằng những sản phẩm được bày bán có mức giá không cao (do đồng Euro có mệnh giá cao hơn đồng Dollar Mỹ).
Chỉ tới khi ghé quầy thanh toán, khách hàng mới ngã ngửa khi số tiền phải trả thường cao hơn nhiều so với con số ghi trên nhãn mác.
Tuy nhiên, sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Hãng thời trang đình đám còn bị cáo buộc đã quy đổi giá bán từ đồng Euro sang đồng Dollar Mỹ với tỷ giá cao hơn hẳn so với tỷ giá thực tại thời điểm thanh toán, từ đó hưởng lợi từ số tiền dư ra.
Do tin tưởng cửa hàng, hoặc cảm thấy quá phiền phức nên đa phần các vị khách dễ tính đều không kiểm tra lại tỷ giá và chấp nhận mức tiền mà cửa hàng đưa ra.
Dù những cửa hàng khác của Zara đang sử dụng giá bán bằng đồng Dollar Mỹ trên nhãn hàng, song giá bán này lại cao hơn nhiều so với mức giá ban đầu bằng đồng Euro.
Theo đó, cửa hàng này đã dùng một nhãn phụ với giá bán bằng đồng Dollar Mỹ để dán đè lên giá bán ban đầu bằng đồng Euro nằm trên nhãn hàng. Dẫu vậy, giá bán bằng đồng Dollar Mỹ lại cao hơn nhiều so với giá trị quy đổi thực, với chênh lệch khoảng 20% - 50% và có khi lên tới hơn 70%.
Đứng trước những cáo buộc trên, Zara đã kịch liệt phản đối và cho rằng họ đã sử dụng tỷ giá quy đổi từ đồng Euro sang đồng Dollar Mỹ tại thời điểm nhập hàng chứ không phải thời điểm bán ra, do đó mới dẫn tới sự chênh lệch về mặt tỷ giá tại thời điểm tham chiếu.
Hãng này cũng không đưa ra lời giải thích vì sao tỷ giá quy đổi lại luôn cao hơn so với thời điểm tham chiếu, mặc dù giá trị của đồng Euro hoàn toàn không có xu hướng “giảm dần” đều so với đồng Dollar Mỹ, hay tại sao một số mức chênh lệch lại lên tới hơn 70% trong khi đồng Euro chưa từng bị rớt giá thảm hại đến vậy.
Theo ghi nhận, nếu những tuyên bố của Zara là đúng sự thật thì một lượng lớn hàng của hãng này đang được bày bán tại Mỹ đã được nhập từ... đầu năm 2014, thời điểm giá trị đồng Euro bắt đầu lao dốc và chỉ ổn định lại vào đầu năm 2015.
Một số món hàng có mức tăng giá “bá đạo” nhất thậm chí cần phải được nhập khẩu từ... giữa năm 2008, thời điểm mà đồng Euro có tỷ giá cao nhất so với đồng Dollar Mỹ.
Post a Comment