Dự án khai hác quặng sắt Thạch Khê đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Liên quan tới đề xuất dừng dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Công Thương vừa phát đi quan điểm chính thức trả lời về kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dừng triển khai dự án này, Bộ này sẽ có ý kiến cụ thể gửi Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, việc đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn, cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện.
“Cần phải tính đến những hậu quả hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như của Việt Nam", Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho rằng, phải tính đến hiệu quả kinh tế của dự án, phát triển công nghiệp và kinh tế Việt Nam, đóng góp vào GDP, giảm nhập siêu, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cũng như các vấn đề liên quan như an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội và nhiều hệ lụy khác.
“Ngày 25/7/2017, VUSTA đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh. Tại hội thảo có nhiều ý kiến đồng tình với việc tiếp tục thực hiện dự án, nhưng cũng có những ý kiến chưa thật yên tâm, đề nghị tiếp tục làm nghiên cứu làm rõ thêm về vấn đề môi trường, đa dạng sinh học... Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, UBND tỉnh Hà Tĩnh và cơ quan liên quan, chỉ đạo chủ đầu tư tiếp thu, giải trình làm rõ các vấn đề nêu trên sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo”, Bộ Công Thươgn cho biết.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dự án và thiết kế kỹ thuật do Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - TKV chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - Luyện kim và Viện Tháo khô thoát nước mỏ (VIOGEM của Nga) lập.
Bộ Công Thương cũng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thành lập các Hội đồng thẩm định, gồm các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về địa chất mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khai thác mỏ, bảo vệ môi trường, biển đảo, trong đó có các chuyên gia do VUSTA, Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội, đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh tham gia.
Ngoài ra, trong quá trình thẩm định, Bộ Công Thương mời Viện Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam, tư vấn nước ngoài là Công ty TNHH CBM về tư vấn, kinh doanh và quản lý (Đức) thẩm định độc lập.
"Do dự án phức tạp, khối lượng tài liệu nghiên cứu rất lớn nên việc thẩm định gần 1 năm mới hoàn thành. Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt. Như vậy, có thể nói dự án đã được lập và thẩm định rất kỹ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ Công Thương khẳng định.
Liên quan tới các vấn đề về môi trường, Bộ Công Thương cho biết, những vấn đề được các nhà khoa học và dư luận quan tâm đã được làm rõ trong báo cáo thẩm định thiết kế kỹ thuật của Bộ Công Thương, các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng các giải pháp là phù hợp.
Về hiệu quả kinh tế, theo Bộ Công Thương, hiệu quả kinh tế của dự án TIC cập nhật tháng 3/2017 cao hơn so với dự án phê duyệt năm 2014. Cụ thể, tổng mức đầu tư giảm còn 12.192 tỷ đồng so với 14.517 tỷ đồng trước đó, thời gian hoàn vốn giảm xuống còn 7,5 năm so với 9,5 năm trước đó.
Ngoài ra, dự án chưa tính đến một số nguồn thu lớn khác từ khoáng sản đi kèm. Nguồn nước ngọt thu từ quá trình tháo khô mỏ với khối lượng lớn, qua xử lý sẽ là nguồn cung cấp nước sạch cho sinh hoạt. Vì vậy, dự án có hiệu quả là khả thi.
Về năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê và tính khả thi trong việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương cho rằng khi dự án được khởi động lại hoàn toàn có thể đáp ứng, Bộ Công Thương đã nêu rõ trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 2/2017.
Trước đó, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp năng Trương Thanh Hoài cho biết, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lương 544 triệu tấn, giá trị khoảng 35 tỷ USD. Ông Hoài cho biết đã đề xuất ý tưởng với các bộ ngành, các doanh nghiệp về việc dựng một nhà máy thép tận dụng thế mạnh quặng sẳt ở Thạch Khê.
Mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) hiện là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là nguồn tài nguyên lớn, tuy nhiên đến nay vẫn gặp những vướng mắc, chưa thể đi vào khai thác. Trước đây, đã có nhiều công ty nước ngoài định đầu tư khai thác, luyện quặng, cán thép nhưng dự án vẫn "ngủ say” nhiều năm nay dù TIC đã thực hiện từ 2008.
Post a Comment