Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khai mạc hội thảo.
Ngày 29/8 Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo nghị định này.
Theo Văn phòng Chính phủ - cơ quan trình nghị định - thực hiện cơ chế một cửa là một chủ trương nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng, được đưa ra bằng các quy định cụ thể để áp dụng và ngày càng hoàn thiện. Lúc đầu chỉ là cơ chế một cửa đối với từng thủ tục hành chính đơn lẻ, sau đó mở rộng thành cơ chế một cửa liên thông đối với những thủ tục hành chính phức tạp liên quan tới thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan cùng cấp và nhiều cấp hành chính.
Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật về việc thực hiện cơ chế một cửa mới ở cấp độ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa thực sự nhấn mạnh được tầm quan trọng của chủ trương này trong nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính.
Đồng thời, các quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ có phạm vi áp dụng chỉ tại các cơ quan hành chính ở địa phương, chưa dựa trên một khung pháp lý thống nhất cho mọi cấp hành chính.
Dự thảo tờ trình nghị định nêu rõ, những vấn đề này dẫn đến cơ chế một cửa được xác lập, nhưng chưa đủ toàn diện để có thể đặt lợi ích của người dân và doanh nghiệp vào trung tâm của cải cách hành chính.
Một trong những sự cần thiết phải xây dựng nghị định, theo cơ quan trình là chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành còn nhiều vấn đề bất cập.
Hiện số lượng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành là 3.194/6.384, chiếm 50% số lượng thủ tục hành chính đang có hiệu lực. Tuy nhiên, đến nay, việc giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành vẫn chỉ được giám sát trên cơ sở báo cáo, rất ít bộ, ngành có một hệ thống chung theo dõi việc giải quyết. Đồng thời, việc nhập thông tin vào từng quy trình giải quyết tại hệ thống phụ thuộc nhiều vào ý thức của công chức thực hiện nên hiệu quả theo dõi cũng không cao.
Đáng chú ý, trong tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, có khoảng 50 thủ tục mà các bộ, ngành có tham gia vào quy trình giải quyết, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đất đai, đặc biệt là các dự án đầu tư có sử dụng đất, chính sách, bảo trợ xã hội...
Song, do không có hệ thống nào để kiểm soát, giám sát nên trên thực tế tồn tại tình trạng hồ sơ ở địa phương thực hiện đúng quy trình nhưng khi lên trung ương thì bị trễ hạn. Đối với những thủ tục có sự tham gia của các cơ quan cấp bộ, nếu không kiểm soát được toàn bộ quy trình thì không làm thay đổi được tình trạng kéo dài thời gian, chậm trễ trong giải quyết như hiện nay.
Lý do cần có nghị định còn ở sự cần thiết quy cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong từng quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả; trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện liên thông theo các quy trình liên thông dọc và liên thông ngang, nhất là trách nhiệm của các bộ trong việc xây dựng thể chế về liên thông để làm cơ sở tổ chức thực hiện.
Một trong những điểm mới tại dự thảo nghị định là đối với cấp tỉnh, bộ phận một cửa được tổ chức tập trung và lấy tên gọi là trung tâm hành chính công cấp tỉnh. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức các điều kiện vật chất để đại diện của các cơ quan hành chính nhà nước đến tập trung thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả và kiểm soát quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Trung tâm trực thuộc hệ thống văn phòng, do lãnh đạo văn phòng đứng đầu thực hiện kiêm nhiệm và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Riêng đối với Hà Nội và Tp.HCM, để phù hợp với nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, tại dự thảo đã giao cho chủ tịch UBND thành phố quy định tổ chức từ 1-3 trung tâm hành chính công theo khu vực.
Đây cũng là vấn đề được Văn phòng Chính phủ tách riêng xin ý kiến Chính phủ, do còn có ý kiến khác nhau.
Theo đó, có ý kiến cho rằng, hai thành phố lớn này với những đặc thù riêng như mật độ dân số lớn, số lượng giao dịch thủ tục hành chính lớn, hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập và trình độ công nghệ thông tin phát triển thì việc tổ chức trung tâm hành chính công cấp tỉnh là chưa phù hợp. Thay vào đó, nên tiếp tục việc thực hiện phân tán như hiện nay và đẩy mạnh việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến.
Quan điểm của ban soạn thảo là tổ chức trung tâm hành chính công cấp tỉnh tại hai thành phố là phù hợp. Vì việc truy cập thực hiện dịch vụ công cấp độ 3, cấp độ 4 tại hai thành phố này vẫn chưa thay thế được thói quen đến trực tiếp các cơ quan để thực hiện thủ tục hành chính của người dân. Việc thay đổi thói quen này cần một thời gian lâu dài để thay đổi và cần đòi hỏi đẩy mạnh công tác truyền thông.
Cơ quan soạn lập luận, việc tổ chức giải quyết thủ tục hành chính phân tán như hiện nay sẽ khó khăn nhiều cho công tác phối hợp giải quyết thủ tục hành chính, người dân phải đi lại đến nhiều cơ quan để thực hiện, thiếu sự theo dõi giám sát của một đầu mối thống nhất. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính tại hai thành phố này cũng chưa thực sự bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất, tương thích, và kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Ngoài ra, do số lượng biên chế công chức của các sở, ban ngành của hai thành phố này nhiều hơn so với các tỉnh, thành phố nên việc tổ chức theo khu vực như dự thảo đáp ứng được về nguồn nhân lực và tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch với cơ quan hành chính khi có nhu cầu về giải quyết thủ tục hành chính.
Post a Comment