Việc thiếu quan sát xung quanh trước khi mở cửa xe ô tô là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, thậm chí còn để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Vì thiếu cẩn thận, không chịu quan sát trước khi bước xuống ô tô, nhiều người đã vô tình gây ra những tai nạn nghiêm trọng khiến người đi đường tử vong.
Những cái chết tức tưởi vì mở cửa xe không quan sát
Gần đây nhất, hôm 31/7/2017, trên đoạn đường Phan Đình Phùng đoạn trước cổng chợ Lái Thiêu (phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương) xảy ra một vụ tai nạn khiến chị Huỳnh Bảo N. (26 tuổi, ngụ Bình Dương) tử vong tại chỗ.
khoảng 14h cùng ngày, chị Huỳnh Bảo N. điều khiển xe máy lưu thông trên đường Phan Đình Phùng hướng về đường Cách Mạng Tháng Tám. Khi chị đi đến trước cổng chợ Lái Thiêu thì có một chiếc ô tô 4 chỗ đậu bên lề đường, người đàn ông trên xe ô tô bất ngờ mở cửa khiến chị N. không kịp xử lý, loạng choạng tay lái rồi ngã ra đường.
Cùng thời điểm, xe buýt do tài xế Lê Phước Tr. (49 tuổi) điều khiển chạy tới không kịp xử lý đã cán qua người khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Trước đó, vào khoảng 19h, ngày 20/3/2015 trên đường Nguyễn Thái Học, TP Vinh, Nghệ An.
Vào thời điểm trên, chiếc xe con mang BKS của TP HCM 51A-740.51 (chưa rõ người điều khiển) vừa dừng bên đường Nguyễn Thái Học (gần khu vực siêu thị Maximax), phường Lê Lợi. Người ngồi trên xe này bất ngờ mở cửa xe khiến 1 chiếc xe máy do người đàn ông chở theo 1 phụ nữ đâm sầm vào cánh cửa.
Sau cú va chạm, người phụ nữ ngồi sau ngã văng ra đường thì bị xe tải mang biển số 37N-4322 (chưa rõ người lái) tông mạnh vào người khiến nạn nhân tử vong ngay tại chỗ. Vụ tai nạn thương tâm khiến hàng trăm người dân bàng hoàng kéo tới, làm giao thông trên đường Nguyễn Thái Học bị ùn tắc cục bộ.
Hồi cuối năm 2015, tại đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội, ông Đ.X.H (trú tại tỉnh Bắc Kạn) điều khiển xe ô tô khi đến đoạn gần khu vực công viên Hòa Bình đã cho xe đỗ vào lề đường bên phải theo chiều đi của mình. Sau đó, ông H mở cửa trước bên trái của xe đã xảy ra va chạm với xe máy do ông N.V.T điều khiển phía sau chở theo 2 cháu bé.
Hậu quả ông T bị văng ra đường đúng lúc có 1 chiếc xe khác đi tới nên đã chèn vào người ông T khiến ông tử vong tại chỗ. Hai cháu bé đi cùng bị xây xước nhẹ.
Một trường hợp tương tự xảy ra vào cuối năm 2012 tại TP Vinh, Nghệ An, một lái xe khi đang điều khiển xe ô tô đã dừng xe bên đường rồi bất ngờ mở cửa, khiến người đàn ông đi xe máy từ phía sau va vào và ngã ra đường. Không may đúng lúc đó có một chiếc xe tải đi qua không kịp phanh đã đâm vào người đàn ông này khiến nạn nhân chết ngay sau đó.
Mở cửa xe gây tai nạn phải chịu trách nhiệm gì?
Việc mở cửa khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải tuân thủ quy định về an toàn giao thông đường bộ. Khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ quy định: Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe phải thực hiện quy định: Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.
Nếu vi phạm quy định nêu trên thì sẽ bị xử lý theo điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng. Ngoài ra, người thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước bằng lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Còn nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng như gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 70 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng…hoặc gây ra hậu quả chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại Điều 202 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Theo đó, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Khi để xảy ra tai nạn ngoài ý muốn do lỗi của người mở cửa xe thì người này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Đây ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ luật dân sự 2005. Theo đó, người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản chi phí sau:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
- Chi phí bù đắp tổn thất về mặt tinh thần cho người bị thiệt hại. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Post a Comment