Toa xe tàu công trình trên tuyến đướng sắt Cát Linh - Hà Đông.
Ông Đường Hồng, Giám đốc điều hành dự án (Tổng thầu EPC) cho hay, tốc độ chạy thử toa xe từ 5km mỗi giờ để kiểm tra kết cấu hạ tầng đường sắt, đường ray, sau đó nâng lên tốc độ 10 đến 20km mỗi giờ.
Đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết thêm, đây là hai toa xe diezel tự vận hành trên đường sắt đô thị, để kiểm tra kết cấu hạ tầng và sau này phục vụ cho công tác kéo toa xe chuyên chở vật tư cho công tác sửa chữa, duy tu đường sắt sau này.
Nếu dự án không gặp trở ngại thì đến 1/4/2018 sẽ vận hành thử tàu chính thức trên toàn tuyến. Tàu Cát Linh - Hà Đông có thể khai thác thương mại sau đó sáu tháng tùy theo kết quả vận hành.
Tại cuộc kiểm tra toàn tuyến mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Tổng thầu EPC phải đảm bảo tiến độ dự án theo như đã cam kết, không thể để tình trạng hạng mục nào cũng dở dang nhưng lại không thi công.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn đang gặp khó khăn do việc giải ngân 250 triệu USD bổ sung bị chậm trễ.
Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, cho biết, hiệp định vay bổ sung 250 triệu USD đã được ký kết ngày 11/5. Để hoàn thiện các thủ tục hiệu lực cho khoản vay, Bộ Tài chính đã gửi Bộ Tư pháp thư của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đề nghị phía Việt Nam cho ý kiến đối với mẫu ý kiến pháp lý.
Bộ Giao thông Vận tải sau đó cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính hỗ trợ các thủ tục cho khoản vay bổ sung này. Bộ Tư Pháp và China Eximbank đã họp tuy nhiên các bên vẫn chưa thống nhất ý kiến.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: “Việc chậm giải ngân phần thiệt thòi sẽ là tổng thầu Trung Quốc chứ không phải Việt Nam”.
Dự kiến, quý 2/2018 dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào khai thác thương mại. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, dự án khó có thể xong đúng tiến độ vào tháng 10 tới.
Post a Comment