Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cần phải xen canh mô hình canh tác lúa-cá, lúa-tôm để giảm bớt sử dụng nước trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Theo đánh giá của ông, vấn đề mang đến sự đồng thuận cao nhất hiện nay về biến đổi khí hậu là gì?
Hầu như tất cả đều đã thống nhất nhận định rằng, vấn đề biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, khốc liệt hơn so với dự báo trước đây; tác động lớn đến phát triển bền vững của vùng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân trong vùng.
Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã trở nên nghiêm trọng hơn bởi yếu tố con người như việc khai thác quá mức tài nguyên đất, nước...
Nhiều ý kiến cho rằng tác hại của “nhân tai” còn lớn hơn, đến sớm hơn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Ông cũng có cho là như vậy?
Tôi cho rằng đó là vấn đề rất đáng quan tâm. Đây là vấn đề có tính chất liên ngành, vượt qua phạm vi của một ngành, ranh giới hành chính của một địa phương. Tuy nhiên, các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp đã và đang được thực hiện lại theo góc nhìn riêng rẽ của từng bộ, ngành, địa phương, còn thiên về ứng phó cục bộ; không dựa trên việc xem xét tổng thể về không gian, thời gian, liên ngành, liên vùng.
Nhìn từ công tác quy hoạch, hiện nay, đã có hơn 2.500 quy hoạch được lập cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng quy hoạch cấp vùng hiện có tới 22 bản quy hoạch, bao gồm 3 quy hoạch về phát triển kinh tế-xã hội; 5 quy hoạch về xây dựng; 7 quy hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn; 7 quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực chủ yếu.
Bên cạnh đó, các quy hoạch cấp vùng cũng được lập theo các phạm vi không gian khác nhau, gồm phạm vi toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, 3 thành phố), vùng kinh tế trọng điểm (4 tỉnh, thành phố) và vùng biển, ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan. Việc lập riêng rẽ nhiều quy hoạch, thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn; không gắn với khả năng cân đối nguồn lực, thiếu tính khả thi, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước.
Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi phải xử lý các vấn đề một cách tổng thể, trong đó, quan trọng nhất là “xốc” lại quy hoạch, thưa ông?
Đúng vậy. Quy hoạch vùng phải theo hướng tích hợp, với những quan điểm chủ đạo như tôn trọng sự vận hành tự nhiên của hệ sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, thay thế cho quan điểm ứng phó, chống chọi, can thiệp sâu vào quy luật tự nhiên, làm huỷ hoại môi trường và hệ sinh thái.
Biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất; tổ chức, sắp xếp lại không gian phát triển vùng theo hướng hiệu quả, bền vững, điều chỉnh hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn phù hợp; coi nước, đất và đa dạng sinh học là ba trụ cột chính để phân vùng hợp lý; coi kinh tế biển là một động lực quan trọng cho sự phát triển của vùng.
Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, làm cơ sở để phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ... Thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp đảm bảo canh tác bền vững. Đảm bảo phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế-xã hội-môi trường theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cuộc sống người dân.
Luồng ý kiến đang nổi lên rất gay gắt là cần từ bỏ quan niệm cứ phải khư khư ôm sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực, nếu không, nông dân không thể giàu. Xin cho biết quan điểm của ông?
Tôi rất mừng là Thủ tướng vừa có kết luận rất rõ về vấn đề này. Theo đó, dứt khoát giảm diện tích lúa ba vụ. Với nguồn nước ngày càng khan hiếm, cho nên chiến lược đầu tiên là chọn cây trồng nào ít sử dụng nước và không tiếp tục gia tăng hoặc giữ diện tích trồng lúa nhiều như hiện nay. Rất cần thiết xen canh mô hình canh tác lúa-cá, lúa-tôm để giảm bớt sử dụng nước trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Chính vì vậy, quy hoạch nông nghiệp bảo đảm những vùng sản xuất lúa chất lượng cao, sử dụng ít nước, ít phát sinh phát thải khí nhà kính. Những vùng nuôi trồng thủy sản được thủy lợi hóa và những vùng rừng ngập mặn, rừng chàm vốn có.
Nghiên cứu chuyển hướng chiến lược sản phẩm nông nghiệp chủ lực trước đây theo ưu tiên lúa, thủy sản, cây trồng, sắp tới nên theo cây trồng, thủy sản và lúa.
Post a Comment