Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang vừa có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành liên quan về việc di dời trạm thu phí T2 nằm trên quốc lộ 91.

Trong văn bản, Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang ghi nhận thiện ý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi yêu cầu bổ sung thêm đối tượng để được xem xét giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ khi đi qua một đoạn ngắn quốc lộ 91 có đặt trạm thu phí T2. Tuy nhiên, hiệp hội chưa đồng tình với cách giải quyết này.

Theo giải thích của Bộ Giao thông Vận tải, quy trình đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 là nằm trong dự án vùng, trong đó có cả quốc lộ 53 và quốc lộ 54. Quá trình thay đổi vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thành vốn BOT cũng như việc đặt trạm thu phí T2 trên cùng một cung đường theo bộ đã làm đúng quy trình.

Tuy nhiên, theo hiệp hội này, để có sự bàn bạc, thống nhất với chính quyền địa phương, bộ chỉ bàn bạc với Cần Thơ, trong khi đó, người dân An Giang, và Kiên Giang là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất đối với trạm thu phi T2 thì lại không có ý kiến từ hai địa phương này, cho nên khi thu phí T2 đi vào hoạt động gặp phải sự phản ứng gay gắt của người dân.

“Họ chỉ đi qua đoạn ngắn vài trăm mét mà bắt họ phải trả phí suốt tuyến cho cả một cung đường là điều quá phi lý. Thiết nghĩ, ngay từ đầu nếu Bộ Giao thông Vận tải cùng tham khảo hai địa phương An Giang và Kiên Giang thì hiệp hội tin sẽ không có sự hiện diện của T2 như hiện nay”, văn bản nêu.

Cũng theo Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang, việc miễn hoặc giảm phí mà phương án của Bộ Giao thông Vận tải đưa ra chỉ mang tính chất đối phó, tạm thời.

“Cho đến thời điểm này, nếu ai từng đi thực tế qua đây đều nhận thấy việc đặt trạm thu phí T2 là nhằm mục đích tận thu số phương tiện của An Giang và Kiên Giang. Một lần nữa, hiệp hội kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải di dời trạm T2. Trường hợp bộ chưa có kinh phí di dời thì đề nghị xả trạm luôn là vẹn cả đôi đường vì đã có T1 thu giá để hoàn vốn”, Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang cho biết.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn Km 14+000 - Km 50+889 theo hình thức hợp đồng BOT được triển khai từ tháng 3/2014 do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO, Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp thực hiện. Chiều dài gần 44km và tổng vốn đầu tư là 1.720 tỷ đồng.

Dự án hoàn thành tháng 3/2016, thời gian thu phí hoàn vốn dự án là 23 năm 5 tháng. Liên danh đầu tư đặt hai trạm thu phí hoàn vốn cho dự án là trạm T1 tại địa phận quận Ô Môn, còn trạm T2 đặt tại địa bàn quận Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ, hai trạm cách nhau 30km.

Sau một thời gian thu phí, hai trạm vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân, tài xế vì mức thu phí quá cao, và vị trí đặt trạm T2 không hợp lý.

Bởi xe đi từ Kiên Giang về, chỉ rẽ vào quốc lộ 91, chạy khoảng 500m trên quốc lộ 91 để qua phà Vàm Cống (An Giang)… vẫn bị thu phí! Hoặc từ phà Vàm Cống chạy “ké” một đoạn ngắn của quốc lộ 91 để rẽ đường khác về Kiên Giang vẫn phải trả tiền từ 35.000 - 200.000 đồng tùy loại xe.

Ngày 31/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cùng đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải đã có buổi làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang. Tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, không có chuyện di dời trạm thu phí T2 nằm trên quốc lộ 91.

Tuy nhiên, phản hồi về việc này, Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang cho rằng: “Điều này nói lên sự bất nhất trong công tác vĩ mô, trong khi một số văn bản của bộ thì nói đang xem xét việc di dời trạm T2 một cách hợp lý, hài hoà giữa các bên”.

Chưa kể, sắp tới, khi cầu Vàm Cống hoàn thành, người dân An Giang sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng nữa nếu trạm T2 chưa di dời.

Đây là lần thứ 11 Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang kiến nghị liên quan đến trạm T2.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top