Ngày 5/11/2018, phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018 (CIIE 2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc tổ chức Hội chợ, thể hiện tư duy hợp tác cùng thắng, cùng có lợi, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế của khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng khẳng định và mong muốn doanh nghiệp các nước, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc sẽ hiểu nhiều hơn về sản phẩm, tiềm năng phát triển của Việt Nam và cùng thúc đẩy hợp tác thương mại, bền vững, cùng có lợi.
Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018 (CIIE 2018) do Bộ Thương mại Trung Quốc phối hợp với Ủy ban Thương mại Thượng Hải chủ trì tổ chức tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, từ ngày 5/11 đến ngày 10/11/2018. Hội chợ có quy mô trưng bày hơn 200.000m2 và dự kiến có hơn 100 quốc gia tham gia trưng bày, khoảng 150.000 khách hàng thương mại đến từ Trung Quốc và các nước trên thế giới tới giao dịch.
Dấu ấn doanh nghiệp Việt Nam
Tại Hội chợ lần này, Việt Nam đã tổ chức khu gian hàng quốc gia với sự tham gia của 25 doanh nghiệp uy tín, thuộc nhóm doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và dịch vụ thương mại. Trong khuôn khổ Hội chợ, các doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với các đối tác của Trung Quốc và các nước tham dự để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trong thời gian tới.
Sau Lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham quan Khu gian hàng thương mại Việt Nam. Dừng chân tại gian hàng của Hapro - đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn BRG, Thủ tướng đã dành sự động viên khích lệ đối với các cán bộ của Hapro thời gian qua đã có kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản Việt sang thị trường nước ngoài nói chung trong đó có mặt hàng gạo - mặt hàng đóng vai trò xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Qua ngày đầu tiên tham dự Hội chợ, Hapro đã ký kết được một số hợp đồng xuất khẩu có giá trị. Dự kiến, hết kỳ Hội chợ, Hapro sẽ đón tiếp gần 200 khách hàng tới làm việc, giao dịch về các mặt hàng Hapro đã mang đến Hội chợ.
"Hapro tham dự Hội chợ này cũng là dịp để thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2018, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Thông qua chương trình Hội chợ nhập khẩu Thượng Hải, Hapro mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm khác ngoài gạo như mặt hàng mẫu trưng bày tại gian hàng. Qua đó tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trunng Quốc của Tổng công ty từ 20-30% vào năm 2019", ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Hapro, cho biết.
Xúc tiến xuất khẩu và những hợp đồng triệu USD
Sau đại hội đồng cổ đông lần đầu của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) ngày 24/6/2018, hoạt động sản xuất kinh doanh của Hapro đã có nhiều chuyển biến, trong đó đáng chú ý là kinh doanh xuất khẩu. Những kết quả ban đầu đã thể hiện được các định hướng phát triển kinh doanh của Hapro, trong đó đặc biệt chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại và tham dự hội chợ về nông sản thực phẩm lớn tại nước ngoài.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hapro, mục tiêu sau cổ phần hoá là tiếp tục xây dựng và phát triển Hapro để trở thành một Tổng công ty xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Trọng tâm phát triển của Hapro là đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu, đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực, bao trùm các hoạt động của Tổng công ty.
Đồng thời, Hapro cũng sẽ được xây dựng trở thành công ty chủ lực của Tập đoàn BRG trong lĩnh vực xuất khẩu, gắn thương hiệu xuất khẩu Hapro với thương hiệu BRG của Tập đoàn. Xây dựng thành công 5 mặt hàng xuất khẩu nằm trong top 5 danh nghiệp xuất khẩu hàng đầu cả nước gồm: gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủ công mỹ nghệ.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, Hapro đã triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như: phát triển kinh doanh xuất khẩu theo hướng chủ động phát triển vùng nguyên liệu đối với những mặt hàng xuất khẩu chính gắn với xây dựng và phát triển một số nhà máy chế biến như: đầu tư thêm 1 nhà máy chế biến gạo, xây dựng nhà máy chế biến tiêu sạch tại Bình Dương…
Hapro sẽ có điều kiện để phát triển một số sản phẩm mang thương hiệu riêng xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống bán lẻ nước ngoài, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Ngoài ra, Hapro đẩy mạnh phát triển các cơ sở vệ tinh, tăng cường khả năng phát triển nguồn hàng trong và ngoài nước, tạo kênh hàng hóa đa chiều nhất là đối với một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2020 tổng doanh thu của Hapro đạt khoảng 9.000 tỷ đồng (tăng 45% so với 2018) với 80% doanh thu đến từ kinh doanh xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD (tăng 66% so với năm 2018).
Hapro đã tham gia các hội chợ nông sản, thực phẩm lớn, các hội nghị xúc tiến thương mại lớn trên thế giới về nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, các chương trình kết nối thông tin với các doanh nghiệp nước ngoài, củng cố các mối liên hệ với các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại các nước và các cơ quan thương vụ, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó làm tốt vai trò quảng bá, giới thiệu thương hiệu xuất khẩu BRG Export thông qua việc triển khai đẩy mạnh xuất khẩu của thương hiệu Hapro Export.
Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó phải kể đến những nỗ lực trong hoạt động xúc tiến thương mại, sau gần 4 tháng hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Hapro tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đã đạt 89 triệu USD, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu đạt 3.905 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2017. Một số mặt hàng xuất khẩu tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao như: hạt điều đạt 62 triệu USD tăng 15%, gạo đạt gần 18 triệu USD tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017.
Post a Comment