1000 – 1200 USD/tháng là thu nhập bình quân của lao động Việt Nam làm việc ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đây là thông tin tại báo cáo kết quả giám sát chuyên đề người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2010-2017 và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam giai đoạn 2013-2017 của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội.
Mỗi năm gửi về nước từ 2 -2,5 tỷ USD
Dẫn số liệu tổng hợp từ các doanh nghiệp, cơ quan giám sát cho biết giai đoạn 2010 - 2017, cả nước đã có 821.862 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Từ năm 2014 đến nay, bình quân mỗi năm số lao động đi làm việc nước ngoài đạt khoảng trên 102.000 người/năm, chiếm 7% số người được giải quyết việc làm mới của cả nước, có xu hướng tăng rõ rệt.
Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng mạnh tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản (bình quân giai đoạn 2013 - 2017 tăng khoảng 461% so với giai đoạn 2010 – 2013), Đài Loan (bình quân tăng khoảng 183%), Trung Đông (bình quân tăng khoảng 120%).
Trong đó, thị trường Đài Loan thu hút lao động nhiều nhất và duy trì ổn định ở mức cao, trong khi thị trường Nhật Bản có mức tăng đột biến, số lao động đi làm việc tại Nhật Bản năm 2017 gấp 11 lần so với đầu kỳ (năm 2010), gấp 3 lần so với năm 2014, cơ quan giám sát so sánh.
Theo kết quả giám sát, nhìn chung, giai đoạn 2010 - 2017 lao động ra nước ngoài làm việc thường có thu nhập cao và ổn định hơn so với làm việc trong nước cùng ngành nghề, trình độ.
Bình quân thu nhập (kể cả làm thêm) của người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 400 - 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, 700 – 800 USD/tháng ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc), 1000 – 1200 USD/tháng ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Sự gia tăng số lượng lao động làm việc ở các thị trường có thu nhập cao đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước có lượng kiều hối lớn từ người lao động ở nước ngoài gửi về, cơ quan giám sát nhận định.
Cụ thể, hàng năm, lượng tiền người lao động gửi về nước khoảng 2 -2,5 tỷ USD, với mức tăng trung bình trong giai đoạn từ 2010-2017 là 6-7%/năm. Theo báo cáo của UBND tỉn Hà Tĩnh, có năm lượng tiền người lao động gửi về nước hơn 4000 tỷ dồng xấp xỉ bằng 50% tổng thu nội địa trong tỉnh.
Trung Quốc dẫn đầu
Về lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, báo cáo nêu rõ, trong các năm 2013 – 2017, số lượng tăng rõ rệt, nhưng từ năm 2016 – 2017 có xu hướng giảm. Tính đến năm 2017, cả nước có 81.359 lao động nước ngoài đang làm việc, trong đó 23.300 (28,6%) lao động là nhà quản lý; 11.631 người (14,3%) là giám đốc điều hành; 28.198 người (34,7%) là chuyên gia; 14.743 người (18,1%) là lao động kỹ thuật; 3.488 người (4,3%) là lao động khác.
Số được cấp giấy phép lao động là 69.863 người (85,9%), số không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 6.417 người (7,9%); số đang làm thủ tục để được cấp giấy phép lao động là 5.078 người (6,2%).
Lao động nước ngoài đến từ khoảng 110 quốc gia, trong đó quốc tịch Trung Quốc chiếm 30,9%, Hàn Quốc 18,3%, Đài Loan (Trung Quốc) 12,9%, Nhật Bản 9,5%; lao động từ các quốc gia khác chỉ chiếm 28,4%.
Kết quả giám sát cho thấy, nhìn chung công tác quản lý, sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hạn chế được chỉ ra là do quy định thông thoáng của pháp luật về xuất nhập cảnh, những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam theo thị thực "DN" không phải khai báo và làm các thủ tục khai báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Trên thực tế có tình trạng người lao động nước ngoài được cấp thị thực "DN" có thời hạn 3 tháng vào làm việc ở các doanh nghiệp nhưng không có giấy phép lao động, sau đó các doanh nghiệp sẽ hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động để chuyển sang thị thực "LĐ" nhưng Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam không cho phép chuyển đổi mục đích nhập cảnh. Điều đó dẫn tới tình trạng gia tăng số lượng người nước ngoài làm việc ở Việt Nam nhưng không được cấp giấy phép lao động, gây khó khăn cho công tác quản lý lao động, báo cáo nêu rõ.
Post a Comment