Phiên chất vấn chiều 31/10, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an về việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để một số đối tượng trốn tránh trách nhiệm hình sự sau khi thực hiện hành vi phạm tội.

Theo đại biểu thì việc này đã xảy ra từ nhiều năm trước và đã được kiến nghị nhưng đến nay chưa có giải pháp khắc phục triệt để mà đang có dấu hiệu trầm trọng hơn.

Bà Dung nhấn mạnh vừa qua tiếp tục phát hiện làm giả 78 hồ sơ bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và còn nhiều vụ nữa chưa bị phát hiện. Vấn đề này ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống tội phạm.

"Thực tế cử tri đã bất bình khi có đối tượng nhiều lần bị bắt về tội trộm cắp tài sản. Lần nào trộm cắp cũng có tính toán chuẩn bị đường đi nước bước rất tinh vi. Nhưng cũng mỗi lần bị bắt thì có kết luận tâm thần nên không chịu trách nhiệm hình sự. Đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc thì 2 đến 3 tháng sau hết bệnh được bảo lãnh ra ngoài. Có thắc mắc hỏi thì được trả lời "bị tâm thần mà lúc bệnh, lúc không là chuyện bình thường".

Đại biểu phản ánh và chất vấn trách nhiệm xử lý của hai Bộ trưởng và biện pháp để giải quyết nghiêm, triệt để vấn đề nêu trên.

Sáng nay, 1/11, trả lời chất vấn của đại biểu Dung, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xác nhận vừa qua cơ quan công an có phát hiện 2 nhân viên Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cho một số trường hợp. Vụ việc này hiện đang được điều tra, chưa có kết luận, Bộ trưởng cho biết.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu rà soát hoạt động của các bệnh viện tâm thần cũng như các khoa tâm thần ở các bệnh viện đa khoa trên toàn quốc để tìm, chặn những lỗ hổng có thể phát sinh việc làm giả hồ sơ bệnh án như vậy, Bộ trưởng hồi âm đại biểu.

Bộ trưởng Tiến giải thích, việc làm giả hồ sơ có 2 loại khác nhau. Loại thứ nhất là việc làm giả xuất phát từ những bệnh viện như viện Tâm thần Trung ương 1, Trung ương 2. Đây là những bệnh viện có chức năng khám chữa bệnh cho mọi người dân.

Loại thứ hai là xảy ra tại hệ thống các cơ sở giám định pháp y tâm thần. Các cơ sở này chỉ tiến hành giám định bệnh với những đối tượng đã có vấn đề tội phạm nhưng có nghi ngờ về tâm thần nên cơ quan điều tra yêu cầu giám định. Để giám định tâm thần với những trường hợp này thì không chỉ là bác sĩ, bệnh nhân tự khám, xác định mà cần có công an đi cùng trong quá trình khám xét. Và Viện Giám định tâm thần này ở Thường Tín (Hà Nội).

Về quy trình, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, muốn đưa ra kết luận cũng phải kiểm tra với quy trình chuyên môn rất kỹ lưỡng, chặt chẽ thì mới có thể xác định bệnh nhân tâm thần hay không. Khi hội đồng chuyên môn ở đây đưa ra kết luận xác định trường hợp này bị tâm thần thì công an mới công nhận để xem xét vấn đề trách nhiệm hình sự với người đó.

"Xác nhận tâm thầm của các bệnh viện bên ngoài chỉ mang tính chất dân sự, không có ý nghĩa với việc xác định một người phạm tội là do bị tâm thần", Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ trưởng Công an trả lời cụ thể về vấn đề các đối tượng hình sự "chạy" bệnh án tâm thần vì các bác sĩ, bệnh viện bên ngoài muốn làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cũng không dễ. Bộ Y tế sẽ phối hợp để xử lý hành vi với những người vi phạm như vậy.

Nhận xét phần trả lời của Bộ trưởng Y tế rất rõ ràng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Công an xử lý nghiêm tất cả những trường hợp cá nhân có án hình sự mà "chạy" bệnh án tâm thần đã phát hiện được. Bộ Công an cũng phải phối hợp với Bộ Y tế để rà soát quy trình thực hiện việc giám định tâm thần trong những trường hợp đó.

"Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cần xem xét lại, không thể để trong ngành mình có những cá nhân bác sĩ, nhân viên y tế vi phạm để ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành. Nếu xác định được trường hợp có vi phạm thì cũng phải xử lý thật nghiêm khắc để làm gương", Chủ tịch Quốc hội lưu ý. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top