Năm nào Thủ tướng cũng nhắc các địa phương không được lên Trung ương để tặng quà, nhưng báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ lại chưa đề cập cấp dưới còn đi biếu quà cho cấp trên không.
Thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng tại Quốc hội ngày 13/11, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đã đưa ra nhận xét nói trên.
Ai tặng, tặng ai, quà gì, nộp vào đâu?
Thông tin về tặng quà và nộp lại quà tặng luôn xuất hiện đều đặn trong báo cáo về phòng chống tham nhũng của Chính phủ.
Đại biểu Sơn nói, vài năm trở lại đây, năm nào Thủ tướng cũng nhắc các địa phương không được lên Trung ương để tặng quà nhân dịp lễ, tết, mà hãy dành phần quà đó đi thăm viếng gia đình chính sách, có công với cách mạng. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn và ngăn chặn tội đút lót, hối lộ.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ năm nay chỉ có 9 tỉnh có tình trạng tặng quà và nộp lại quà tặng, tỉnh ít nhất có một người, tỉnh nhiều nhất có 9 người nhận và nộp với tổng giá trị 451,5 triệu đồng. Vậy, các địa phương khác có tình trạng này không, hay không có ai tặng quà nên không có việc nộp lại quà tặng? ông Sơn băn khoăn.
Nếu đúng như thế, theo đại biểu là đáng mừng. Tuy nhiên, băn khoăn của đại biểu là báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ ai tặng, tặng ai, quà gì, nộp vào đâu, cấp dưới còn đi biếu quà cho cấp trên không?
Tương tự như vậy, báo cáo có nêu phần thu hồi tài sản bị tham nhũng có cả hiện kim và hiện vật. Vậy, hiện kim đó có phản ánh qua phần thu về ngân sách Nhà nước báo cáo Quốc hội hàng năm không, bởi vì ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân, là mồ hôi, nước mắt của dân đóng góp để xây dựng đất nước, ông Sơn nhận xét.
Tham nhũng, cố ý làm trái gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm mất tiền của dân. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải thu hồi và nộp lại ngân sách nhà nước, phần này cần được Chính phủ báo cáo rõ hơn thì Quốc hội mới giám sát được, ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề cập nguy cơ tồn đọng số tiền phải thi hành án các vụ án tham nhũng.
Đại biểu Xuyền lấy ví dụ, trong 5 vụ án điển hình gồm vụ Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, Hà Văn Thắm, Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh tổng số tiền thi hành án là 16.847 tỷ đồng, mới thi hành được 5.331 tỷ đồng, còn lại 11.515 tỷ đồng. Nếu trừ vụ Phạm Công Danh có số thi hành cao đạt trên 5.200 tỷ đồng cho giải chấp 124 sổ tiết kiệm, còn lại 4 vụ án nói trên thì số tiền cũng mới chỉ đạt 2%, tức là khoảng 100 tỷ trên 5.000 tỷ đồng.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao gây hậu quả rất nghiêm trọng
Chỉ phát biểu về diễn biến của tội phạm sử dụng công nghệ cao, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nhận xét tình hình đang diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều chiêu thức, thủ đoạn phạm tội mới và xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực.
"Ngân hàng tưởng chừng như là nơi gửi, giữ tiền một cách an toàn nhất, song theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, từ năm 2011 đến nay đã xảy ra 772 vụ trộm tiền tại các máy ATM và 1.967 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao", bà Thuỷ lấy ví dụ.
Theo đại biểu Thuỷ, với mạng internet chưa bao giờ tội phạm đánh bạc lại hoạt động một cách dễ dàng và thuận lợi như hiện nay. Các đối tượng có thể đánh bạc ở mọi nơi, mọi lúc, nhiều lần trong ngày và với số tiền không giới hạn.
Bà Thuỷ cũng nhấn mạnh hậu quả của tội phạm này gây ra thường trên một diện rộng và rất nghiêm trọng, lập kỷ lục cả về số tiền chiếm đoạt cũng như số người bị thiệt hại.
Nhắc đến vụ án đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh đang được tòa xét xử , bà Thuỷ nhấn mạnh con số hơn 42 triệu tài khoản của người chơi tham gia với tổng số tiền đưa vào đánh bạc trên 9.800 tỷ đồng, tổng số tiền phải trả thưởng cho những người tham gia đánh bạc chỉ hơn 2.600 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy số tiền các đối tượng trong đường dây này thu lợi bất chính rất lớn.
Đối với các vụ tiền ảo, đại biểu Thuỷ nói, các đối tượng đã lập ra rất nhiều sàn giao dịch, hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền thu được của người tham gia trước để trả cho người tham gia sau. Khi đã thu được một lượng lớn tiền thì đánh sập mạng và biến mất khỏi Việt Nam. Như vụ Nguyễn Hữu Tiến và các đồng phạm vừa qua đã lập ra các trang web để kêu gọi đầu tư tiền ảo với mức lợi nhuận là 2,5%/ngày, đã chiếm đoạt tiền của hơn 6.000 người.
Trong lĩnh vực ngân hàng, cho đến nay mới chỉ có 23% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao thu hồi lại được tiền. Như vậy, có thể thấy với tội phạm công nghệ cao, hậu quả của tội phạm là rất lớn nhưng việc thu hồi hiện đang hết sức khó khăn, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Đại biểu Thuỷ đề nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ đến người dân các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để người dân chủ động phòng tránh.
Post a Comment