Phiên thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, tham nhũng của Quốc hội sáng 13/11 chỉ có một tấm biển tranh luận được sử dụng.
Đó là khi Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc có ý kiến về đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đối với cơ quan này.
Trong báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng được trình bày trước khi Quốc hội thảo luận, Uỷ ban Tư pháp nhận xét, việc kiến nghị xử lý hình sự qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn ít. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển 4 vụ việc sang cơ quan điều tra.
Uỷ ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, những hạn chế trong việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác kiểm toán đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục: năm 2016, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý sai phạm 14.781,9 tỷ đồng nhưng không chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra. Năm 2017 kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỷ đồng nhưng cũng chỉ chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra.
Uỷ ban Tư pháp đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo toàn ngành tăng cường chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng phát hiện được qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước thì đánh giá của Uỷ ban Tư pháp là chưa công bằng.
"Chúng tôi cho rằng Kiểm toán Nhà nước trong thời gian vừa qua đã có những đóng góp rất lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, việc ngăn chặn những sơ hở trong chính sách, chẳng hạn từ BT, BOT, về đất đai, về cổ phần hóa. Đặc biệt, chúng tôi có văn bản đề nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước dừng chuyện không cổ phần hóa các cảng biển và sân bay. Đây cũng là một đóng góp rất lớn của Kiểm toán Nhà nước", ông Phớc nói.
Chưa công bằng, theo Tổng kiểm toán còn ở chỗ trong ba năm gần đây, cơ quan này đã xử lý tài chính và thu vào ngân sách gấp hàng chục lần các năm trước kia. Năm 2017, thu vào ngân sách nhà nước trên 40.000 tỷ và xử lý tài chính 97.000 tỷ. Trong năm 2018 đến nay là 10 tháng đã cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước như Ủy ban kiểm tra, thanh tra, công an và các bộ, ngành, Ban Nội chính 103 thông báo kiểm toán.
Như vụ đất đai của Sabeco mới khởi tố gần đây cũng do số liệu của Kiểm toán Nhà nước cung cấp cho cơ quan điều tra. Vụ bảo hiểm xã hội vừa khởi tố là cũng từ báo cáo kiểm toán của chúng tôi chuyển qua. Vụ ụ nổi của Vinaline cách đây mấy năm cũng từ kiểm toán phát triển ra... ông Phớc đưa ra hàng loạt minh chứng.
Tổng Kiểm toán nhấn mạnh rằng muốn được đánh giá một cách hết sức công bằng để ủng hộ cho Kiểm toán Nhà nước hoàn thiện chức năng của mình.
Vẫn theo Tổng Kiểm toán thì cơ quan này gặp nhiều hạn chế khi không có chức năng điều tra, không có chức năng giám định tư pháp về mặt tài chính, không có chức năng trong việc xác minh trả lời tố cáo...
"Phát hiện có các vụ việc khi kiểm toán ngân sách của địa phương hoặc các bộ, ngành chúng tôi phải trao đổi với cấp ủy và lãnh đạo ở đó, có trường hợp tỉnh ủy, ủy ban nói việc này để cho họ tổ chức thanh tra trở lại và xử lý. Vì ở các tỉnh có tất cả bộ máy và thực hiện chức năng của mình thì chúng tôi cũng phải tôn trọng", Tổng Kiểm toán trình bày.
Cuối cùng, Tổng Kiểm toán cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tư pháp để sắp tới tăng cường công tác chuyển cho các cơ quan điều tra khi phát hiện được dấu hiệu vi phạm pháp luật.
"Vừa rồi chúng tôi định ký với công an, thanh tra và viện kiểm sát thông tư liên tịch nhưng trong văn bản quy phạm pháp luật không có kiểm toán nên chúng tôi không thể ký thông tư liên tịch được. Nên vấn đề hoàn thiện pháp luật để Kiểm toán nhà nước có công cụ cũng là vấn đề quan trọng", ông Phớc nói.
Post a Comment