Sáng 10/12, trong phiên họp thứ 29, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Hai trong ba dự án luật được Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình năm sau được thuyết minh rất cần thiết trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Luật này nhằm thể chế hóa nghị quyết Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Những nội dung được tập trung sửa đổi là hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa các bộ, ngành, các tổ chức trực thuộc các bộ, ngành và các cấp địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ với các bộ, ngành, giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương.
Lần sửa đổi này cũng cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa trung gian, giảm cấp phó. Nghiên cứu giảm hợp lý số lượng đại biểu hội đồng nhân dân các cấp và giảm đại biểu hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước, giảm số lượng phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thực hiện từ nhiệm kỳ 2021 - 2026...
Mục tiêu sửa luật còn nhằm từng bước sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương. Khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.
Sự cần thiết sửa đổi còn để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thời gian qua.
Như, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; quyết định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Quy định thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, điều động, cách chức, cho từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, công chức.
Ngoài ra còn nhằm khắc phục bất cập trong một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa rõ; quy định về số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách, số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã đã bộc lộ hạn chế...
Tán thành cần sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, song Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cần một số chính sách khác cần được cân nhắc một cách thận trọng để thực sự phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với các quy định khác ngay trong Luật Tổ chức Chính phủ. như chính sách về giao Thủ tướng Chính phủ quyết định tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương hay chính sách về quyết định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập).
Tách bạch cán bộ, công chức với viên chức
Ngoài dự án trên, Chính phủ còn đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8) .
Nội dung sửa đổi tập trung thể chế hóa nghị quyết 19 về thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới, khắc phục những bất cập của Luật Viên chức hiện hành về chế độ thôi việc đối với viên chức và chuyển đổi giữa cán bộ, công chức và viên chức. Thông qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho công tác sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập.
Lần sửa đổi này cũng nhằm tách bạch giữa đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức; hoàn thiện các quy định về vị trí việc làm, về công tác tuyển dụng công chức, về chính sách thu hút nhân tài và các quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức.
Nội dung sửa đổi còn nhằm khắc phục những bất cập của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức hiện hành về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm sự phù hợp với Quyết định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, ông Long cho biết.
Bên cạnh hai dự án Chính phủ trình sửa bốn luật thì trong nhóm luật về tổ chức bộ máy được đề nghị bổ sung vào chương trình 2019 còn có dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Những luật này, theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trung ương yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2019.
Post a Comment