Gần 80% nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tập trung ở Top 200 doanh nghiệp lớn, hơn 26.000 doanh nghiệp còn lại chỉ đóng góp khoảng hơn 20%.

Đó là kết quả khảo sát sơ bộ về đóng góp ngân sách của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được Ban Kinh tế -  Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố nêu tại kỳ họp thứ 9, bắt đầu từ 17/12.

Báo cáo thẩm tra của ban này nêu khá nhiều con số đáng chú ý về tình hình kinh tế của thành phố.

Đó là trong 11 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2018 có 5 chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch, trong đó tổng sản phẩm xã hội (GRDP) ước tăng 7,86% 9kế hoạch 9-10%), tổng vốn đầu tư phát triển đạt 4,8% (kế hoạch 6-8%), giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 7,86% (kế hoạch 8,8-9,8%)...

Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá, thu ngân sách đảm bảo đạt dự toán, tuy nhiên chủ yếu do thu từ tiền sử dụng đất tăng  cao (vượt 75%). Trong khi đó thu phát sinh từ kinh tế không đạt nguyên nhân do kế hoạch Trung uơng giao cao trong khi tăng trưởng kinh tế của thành phố chưa có bứt phá tạo nguồn thu lớn.

Tổng thu nội địa không kể tiền đất đạt thấp, 91,4% dự toán, trong đó thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương đạt 72%, từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 83%, và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 79,6%.

Đáng chú ý, báo cáo thẩm tra cho biết, khảo sát sơ bộ về đóng góp ngân sách của các doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy gần 80% nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tập trung ở Top 200 doanh nghiệp lớn, hơn 26.000 doanh nghiệp còn lại chỉ đóng góp khoảng hơn 20%.

Ở khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 85% nguồn thu từ hoạt động của khối này tập trung chủ yếu ở Top 10 doanh nghiệp lớn, hơn 650 doanh nghiệp FDI còn lại chỉ đóng góp khoảng 15%.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, điều này phản ánh thực chất phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực vốn yếu, khả năng cạnh tranh thấp, chưa tạo được tác động lan toả và đóng góp cho ngân sách là không nhiều.

Qua số liệu trên, cơ quan thẩm tra đề nghị thành phố cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ hiệu quà để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển cho khu vực này.  Đồng thời cần hết sức lưu ý việc rà soát, kiểm tra, hướng dẫn việc kê khai, nộp thuế đảm bảo đúng luật định nhằm hạn chế khả năng thất thu từ các doanh nghiệp.

Nhìn lại năm 2018, năm được Đà Nẵng chọn là năm đẩy mạnh thu hút đầu tư, cơ quan thẩm tra cho rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa hiệu quả, còn mang tính cào bằng, bình quân, doanh nghiệp khó tiếp cận.

Phiên thảo luận tại hội trường chiều cùng ngày, "sức khoẻ" doanh  nghiệp với tỷ lệ đóng thuế 80-20 như nói trên cũng được quan tâm thảo luận.

Ở vị trí điều hành, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Nho Trung đặt vấn đề, hơn 26.000 doanh nghiệp chỉ đóng góp khoảng hơn 20% nguồn thu thuế từ doanh nghiệp có phải do tiềm lực ở đây nhỏ bé hay ngân sách đang bỏ ngỏ, dẫn đến thất thu?

Ông Trung cũng nói thêm là Top 200 doanh nghiệp lớn đóng góp gần 80% nguồn thu thì cũng từ bất động sản là chính.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị các vị đại biểu thảo luận thêm về các giải pháp để phát triển doanh nghiệp có sự bứt phá và mời Cục trưởng cục thuế thành phố làm rõ thêm một số thông tin về nguồn thu từ khối doanh nghiệp.

Theo Cục trưởng cục thuế thành phố, 2018 là năm khó khăn trong thu ngân sách của thành phố. 98% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, còn lại chỉ có 2% vừa và lớn, vị này nhấn mạnh.

Với doanh nghiệp FDI, vị Cục trưởng cho biết nếu doanh nghiệp sản xuất mặt hàng tiêu dùng nội địa thì có đóng góp ngân sách còn làm hàng xuất khẩu thì không có đóng góp gì vào ngân sách.

Một số ý kiến từ phiên họp cho rằng, trong năm 2019 thành phố cần tiếp tục rà soát và sửa đổi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo thực thi hiệu quả. Nghiên cứu có chính sách quan tâm đến các doanh nghiệp có đóng góp thuế lớn cho thành phố, nhất là giải quyết kịp thời những kiến nghị và đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, phát triển mở rộng sản xuất...

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top