Đó là con số được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đưa ra tại Hội nghị Định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới diễn ra ngày 21/12.

Theo ông Thắng, tính đến tháng 11/2018, cả nước có khoảng 27.000 dự án của các nhà đầu tư đến từ 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 340 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỷ USD.

Các dự án đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, chiếm 57%% tổng vốn đầu tư đăng ký. Vốn đầu tư nước ngoài đã có mặt tại tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng.

Vị này khẳng định đầu tư nước ngoài là nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và là động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Tỷ trọng vốn đầu tư FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng từ 15% năm 2005 lên 23,7% năm 2017. Tốc độ tăng trưởng của khu vực FDI đạt 12,6% năm 2017, cao nhất trong các thành phần kinh tế. Nếu trong giai đoạn 1986-1996, khu vực FDI chỉ đóng góp 15% thì đến giai đoạn 2010-2017 đã đóng góp 27,7%.

"Từ năm 2010 trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực vốn FDI cao gấp 2-3 lần so với khu vực trong nước, kim ngạch xuất khẩu gấp khoảng 1,5-2 lần. Tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 17% năm 1995 lên 72,5% năm 2017. Xuất siêu của khu vực này đã góp phần cân bằng cán cân thương mại, giảm áp lực tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế", ông Thắng nói.

Khu vực đầu tư nước ngoài cũng đóng góp vào ngân sách, giai đoạn 1994 - 2000, nộp ngân sách của khu vực này đạt 1,8 tỷ USD thì giai đoạn 2011-2015 lên đến 23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng thu ngân sách nhà nước.

Ông Thắng nhấn mạnh, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thông qua hợp tác đầu tư, quan hệ ngoại giao kinh tế, hợp tác song phương và đa phương của Việt Nam với các đối tác ngày càng phát triển từ đó, góp phần đáng kể trong nâng cao thế và lực của đất nước.

Tuy nhiên, vị Thứ trưởng cũng khẳng định khu vực FDI thời gian qua còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất đến khu vực trong nước còn thấp. Nhiều dự án FDI tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình.

Chuyển giao công nghệ thông qua khu vực FDI chưa đạt kết quả như kỳ vọng, số dự án FDI ở các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn chưa nhiều. Một số doanh nghiệp FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường; một số doanh nghiệp còn có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính.

Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang đặt ra những cơ hội và thách thức đối với việc thu hút và sử dụng vốn FDI trong giai đoạn tới. Dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng giảm, những thay đổi và xung đột thương mại trên thế giới có tác động đến điều chỉnh dòng đầu tư của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, áp lực cạnh tranh thu hút FDI của một số nước trong khu vực ngày càng tăng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực.

"Việt Nam đang trên đà cải cách mạnh mẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, việc cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng phát triển, hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Đây là những yếu tố quan trọng tạo tiền đề tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn FDI trong giai đoạn tới", ông Thắng nói dù khẳng định khu vực vốn FDI vẫn là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, về lâu dài, ông Thắng cho biết, Việt Nam tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện đề án định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030 để trình Chính phủ. Trong đó, dự thảo Đề án tập trung vào việc điều chỉnh các chính sách thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top